Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

CẢM THÔNG VÀ LÒNG TỐT – NHÀ LÃNH ĐẠO GIỎI CÓ CẦN?!

CẢM THÔNG VÀ LÒNG TỐT – NHÀ LÃNH ĐẠO GIỎI CÓ CẦN?!

1. Vì sao nhiều người không thích nghi được khi luân chuyển sang vai trò quản lý

Trở thành một nhà quản lý giỏi và được mọi người nể phục, kính trọng chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với những nhà lãnh đạo trẻ còn non kinh nghiệm, chưa có nhiều hiểu biết sâu sắc về công tác quản lý và mối liên kết giữa các phòng ban, hoặc chưa được đào tạo đầy đủ trước khi tiếp nhận vị trí quản lý. Việc này cũng dễ hiểu vì với vai trò lãnh đạo mới mẻ, tính cách và cách làm việc của bạn gần như sẽ thay đổi nên cần phải có thời gian thích nghi với chức năng mới của mình.
Dưới đây là những thách thức điển hình mà các nhà quản lý thường phải đương đầu:
  • Quản lý tiểu tiết
Việc quá coi trọng tiểu tiết thường xảy ra với những nhà lãnh đạo cầu toàn (đến mức cực đoan) vì luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải kiểm soát mọi thứ, hoặc cảm thấy mình có trách nhiệm phải luôn thúc đẩy mọi người làm việc để đạt đến thành công. Những nhà quản lý coi trọng tiểu tiết thường giải thích vô cùng thuyết phục cho phong cách quản lý của mình: rằng nếu họ chỉ phân việc cho nhân viên rồi “biến mất” cho đến sát thời điểm hoàn thành công việc đã đặt ra trước đó thì nhân viên sẽ không có đủ động lực cũng như áp lực để hoàn tất tốt các công việc được giao. Vì thế, họ không dám phân quyền cho nhân viên của mình. Hệ lụy là họ làm nhân viên mất tự tin, e dè, không có động lực làm việc tiến tới làm suy giảm hiệu quả công việc, giảm mức độ gắn kết giữa nhân viên và nhà quản lý cũng như doanh nghiệp.


Tuy nhiên áp dụng phong cách quản lý buông lỏng cũng không phải là một ý kiến hay. Nhà lãnh đạo cần tìm ra điểm cân bằng giữ hai trạng thái này.
Một giải pháp hữu ích cho vấn đề này là nên xác định đâu là tiêu tiết còn đâu là chi tiết rất quan trọng. Vì chi tiết và tiểu tiết rất khác biệt. Chi tiết là những điều tuy nhỏ nhưng có tác động đến hiệu quả công việc trong khi tiểu tiết thường không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả. Việc xác định đúng chi tiết cần chú ý và bỏ qua tiểu tiết có thể giúp tiết kiệm thời gian cho bản thân để đầu tư vào những việc khác. Thêm vào đó, thái độ đúng mực trong phong cách quản lý tùy vào từng dữ kiện sẽ giúp nhà lãnh đạo thu hẹp khoảng cách giữa nhân viên và cấp quản lý. Hãy làm ít việc hơn, nhưng làm những việc quan trọng hơn và dành cho chúng nhiều thời gian hơn để nhận về kết quả tốt hơn ở mỗi việc.
  • Chỉ tay năm ngón
Một vấn đề khác của rất nhiều người vừa mới chuyển sang vai trò quản lý là họ thường muốn trở thành ông chủ hơn là trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ và họ nghĩ những người khác phải làm việc cho họ. Tuy nhiên,  “Cứ 100 doanh nghiệp hoặc công ty trên thế giới lâm vào tình cảnh phá sản thì có đến 85% trong số đó do chính sách quản lý của người đứng đầu mà ra”. Con số này càng chứng tỏ, phong cách quản lý của người đứng đầu ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích chung của doanh nghiệp. Việc duy trì lối nghĩ làm quản lý thì chỉ ra lệnh như một ông chủ sẽ khiến nhân viên cảm nhận mình không được tôn trọng và không tìm thấy tiếng nói chung với người quản lý, từ đó nhân viên không cảm thấy hạnh phúc với môi trường và văn hóa làm việc. Mà mức độ hạnh phúc của nhân viên lại ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc cho toàn doanh nghiệp.
 

Có một thực tế rằng mọi nhân viên đều muốn mình là thành viên quan trọng và hữu ích trong nhóm, trong công ty. Đây là một nhu cầu cơ bản mà bạn phải tìm cách đáp ứng nhằm phát huy hết khả năng làm việc của nhân viên. Vì vậy, để đạt được hiệu quả và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp đừng bất cẩn trong việc cư xử với nhân viên; đừng quá vô tư ban hành chính sách luật lệ mà bắt mọi người phải tuân theo mà không để ý xem phản ứng của họ với những quy định này; và đừng quên trân trọng, đánh giá cao nỗ lực làm việc của cấp dưới.
  • Thiếu lòng tự tôn
Việc tôn trọng bản thân giúp bạn duy trì nguồn năng lượng tích cực liên tục và xuyên suốt trong quá trình làm việc cũng như lan truyền sự tích cực đó sang những người xung quanh từ đó đạt được năng suất làm việc hiệu quả cho đội nhóm và doanh nghiệp của mình.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn có được khả năng này. Nhiều người không có sự tôn trọng bản thân từ khi còn nhỏ vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi vì hoàn cảnh gia đình hoặc áp lực xã hội đã gieo vào bạn những cảm giác thiếu thốn, sợ hãi. Vì lẽ đó, nếu bạn là nhân lực chủ chốt của doanh nghiệp, đang có cơ hội luân chuyển sang vai trò quản lý, việc học cách yêu thương bản thân là vô cùng cần thiết. Nếu bạn không yêu và tin tưởng vào bản thân mình, làm sao bạn có thể khiến cấp dưới tin và làm theo bạn?  Bạn có thể bồi đắp khả năng này bằng nhiều cách, đơn giản nhất là tự nuôi dưỡng cho mình một sở thích và thói quen tốt và làm thật tốt điều đó. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm và thường xuyên gặp gỡ trò chuyện cùng những người bạn tích cực để bổ sung nguồn năng lượng này cho chính mình.

2. Ba nguyên tắc mà người lãnh đạo tài năng nên áp dụng nhuần nhuyễn

  • Sự quan tâm và cảm thông đối với cấp dưới
Sự quan tâm và cảm thông được xem là nguyên tắc quan trọng nhất mang đến thành công cho nhà quản lý. Quan tâm là thể hiện sự chú ý lắng nghe khi nhân viên muốn bày tỏ ý kiến với bạn. Khi nhà lãnh đạo quan tâm đến nhân viên, họ sẽ tập trung hơn vào công việc và nỗ lực thực hiệ chúng tật tốt. Khi làm cho họ tự tin và thoải mái, người quản trị sẽ phát huy tối đa ở nhân viên của mình các khả năng sáng tạo, năng động, tích cực, hợp tác.
Trong tình trạng thị trường lao động hiện nay, với nhiều vị trí tuyển dụng đa dạng, hấp dẫn nên mỗi người có rất nhiều sự lựa chọn và có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Nhân viên càng giỏi, càng giá trị đối với công ty lại càng dễ dàng tìm được nơi khác tốt hơn và nhanh chóng rời bỏ công ty nếu họ cảm thấy không hài lòng trong công việc.
“Dưới tướng tài không có binh dở”. Sự thật là tinh thần hăng hái không tự sinh ra mà được lan tỏa từ chính người lãnh đạo. Hơn bất kỳ ai, với tư cách là người quản lý tốt thì phải có trách nhiệm tuyển dụng và giữ chân người tài giỏi, sau đó huấn luyện và đào tạo họ trở thành một đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao.


 

Khi người quản lý đối xử với mỗi nhân viên bằng sự quan tâm và cảm thông thực sự, họ sẽ đáp lại bằng sự tận tâm và cống hiến hết mình để đạt kết quả công việc cao nhất.
Có một câu chuyện về một nhà máy có đội ngũ quản lý rất nghiêm khắc và quan tâm đến phần thưởng cũng như quyền lợi riêng của họ hơn tinh thần của người lao động. Nhà máy mất tinh thần làm việc, có hiệu suất làm việc thấp, mức độ sai sót lớn và đang trên bờ vực phá sản do phong cách quản lý thiếu hiệu quả. Thay vì đóng của nhà máy, ban quản trị tại trụ sở chính đã cử đến một tổng giám đốc mới, thay thế cho vị quản lý hiện tại. Trong ngày đầu tiên tiếp nhận công việc, tổng giám đốc mới đã chờ ca công nhân đầu tiên đến vào buổi sang hôm đó, đậu xe ở ngoài trong bãi đậu xe trải nhựa và bang qua lớp bùn để đến lối vào nhà máy. Khi toàn bộ công nhân của ca làm việc này được mời đến đông đủ, người quản lý mới tự giới thiệu, sau đó trước mặt mọi người, bước tới chỗ đậu xe dành riêng bên cạnh lối vào chính, nơi mà các giám đốc điều hành đã quen với việc đậu xe ở đó khi họ đến làm việc. Một trợ lý đã đưa cho ông một xô sơn và người quản lý mới đi dọc theo bức tường, xóa tên của các giám đốc điều hành khỏi khu vực đậu xe được dành riêng. “Kể từ giờ, bất cứ ai đến trước sẽ có chỗ đậu xe tốt nhất,” ông nói với các công nhân. Trong vòng sáu tháng, nhà máy đó đã đạt hiệu suất cao nhất trong lịch sử hoạt động của chính nó và là một trong những nhà máy sản xuất hiệu quả nhất đồng thời có lợi nhuận cao nhất trong tổ chức trên toàn quốc. Một nhà lãnh đạo có động lực lớn với một tầm nhìn rõ ràng, thú vị trong tổ chức có thể trở thành động lực thúc đẩy sự thay đổi và chuyển  đổi, ngay cả khi mọi thứ khác không đổi.
  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp giúp tạo ra bản sác riêng, để bản thân doanh nghiệp không bị đào thải trước nhịp điệu cạnh tranh gay gắt của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và để doanh nghiệp trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực ‘con người’, làm gia tăng nhiều lần giá trị của từng con người đơn lẻ, góp phần xây dựng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng hiểu được giá trị trong dài hạn của văn hóa doanh nghiệp, hầu như các CEO tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có khuynh hướng nghĩ rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp chủ yếu là điều chỉnh hành vi của nhân viên chứ không phải từ hành động của lãnh đạo cấp cao. Lối nghĩ ngắn này dẫn đến hệ lụy là có rất nhiều doanh nghiệp chỉ có mô hình văn hóa trên giấy mà không thể đi vào thực tiễn khi người lãnh đạo không làm gương trong việc thể hiện những chuẩn mực ấy trước tiên.
Người lãnh đạo chính là người xây dựng nền móng quan trọng nhất của doanh nghiệp. Chính vì thế điều kiện tiên quyết để quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả là CEO phải đi đầu trong việc thể hiện cách hành xử gương mẫu và thực hiện những hành động đề cao tầm quan trọng của nền văn hóa ấy.
“Nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn cùng lúc thiết lập và nuôi dưỡng văn hóa quan tâm từng ngày, từng giờ, từng phút. Đây là một văn hóa công ty luôn thực sự đặt con người lên trên hết, luôn hướng tất cả mọi người theo cùng một cách tiếp cận: đổi mới hoặc là chết, xuất sắc hoặc là diệt vong”, một nhà quản lý thành công cho hay.
  • Đặt ra những kỳ vọng hợp lý cho nhân viên mới
Mục tiêu là động lực để hoàn thành công việc. Nhưng nó sẽ biến thành gánh nặng áp lực trên vai nhân viên nếu khối lượng công việc không thực tế và quá sức. Việc không hoàn thành mục tiêu đề ra cũng khiến cho nhân viên dễ chán nản, mất tự tin về khả năng đảm nhiệm vị trí của mình, đặc biệt với những nhân viên mới đang tập thích nghi dần với công việc mới thì việc họ không đạt được hiệu suất như kỳ vọng của người quản lý vẫn thường xuyên diễn ra.
Chúng ta thường mắc sai lầm bởi thói quen xem các hiệu quả thấp hoặc những kỳ vọng không như mong muốn là do lỗi của một người. Người quản lý giỏi cần hiểu rằng người quản lý cũng đồng thời chịu trách nhiệm cho sự thành công của một nhân viên mới như chính người đó. Khi đã xác định được như vậy chúng ta mới có thể hướng dẫn, điều chỉnh để đảm bảo nhân viên mới cùng phát triển với những kỹ thuật và chiến lược của công ty, đặc biệt là những người vừa bắt đầu với công việc đầu đời.
Bằng cách tự hỏi và trả lời rốt ráo những câu hỏi dành cho chính mình, người quản lý sẽ có sự chuẩn bị và trao đổi hiệu quả nhất về những mong đợi của tổ chức đối với nhân viên mới. Và hãy nhìn xem, bạn với nhân viên của mình đang ở trên cùng một “con tàu” mạnh mẽ tiến về mục tiêu chung.
Kết luận: Bất kể bạn đang quản lý ngành nghề, lĩnh vực nào sự quan tâm, thấu hiểu, lòng đối với cấp dưới và mọi người xung quanh cũng như sự tự tôn trọng bản thân là những thành tố giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

NHƯ HUYỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét