Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ CỦA DÂU TÂY


DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ CỦA DÂU TÂY


Bạn, ở nước Mỹ xa xôi, như thông lệ, gửi mail thăm hỏi tất cả các bạn học trong group, ngoài lời chúc tốt đẹp bạn còn tâm sự về chuyện dạy dỗ con cái bên ấy.

Mình thấy bùi ngùi cho bạn, tuy bạn không kể chi tiết nhưng mình cảm nhận rõ ràng qua câu trần tình của bạn “…Day con bay gio kho that…”. Không biết phải đọc thế nào, “khổ” hay là “khó”, cho dù là “khó” hay “khổ” gì đó thì cũng không phải là cảm xúc tích cực như ông bà ta xưa kia đã nói “Dạy dỗ con cái nên người là hạnh phúc của bố mẹ”, “nên người” theo quan điểm nào đây? Phương Tây tân tiến hay Á Đông truyền thống, cũng không rõ, tùy theo quan điểm và môi trường sống của mỗi người. Đọc mail của bạn rồi nhớ chuyện “Dâu Tây dạy con…” tự nhiên cảm thấy… rùng mình. Chuyện của bạn thì mình không biết rõ nhưng chuyện “Dâu Tây dạy con…” có thể tóm tắt như sau:

(Ảnh sưu tập trên internet)


Peter 3 tuổi, mỗi sáng phải tự mình leo lên ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, tự về phòng tìm quần áo trên tủ, tự mình mang giày, bất kể chưa biết phân biệt trái hay phải. Có lần, Peter mặc quần ngược, bà nội (Ta) vội vàng chạy đến, nhưng Susan (dâu Tây) cản lại, nói: “Nếu nó cảm thấy không thoải mái thì tự nó cởi ra, mặc lại, nếu nó thấy thoải mái, tùy”. Cả ngày đó, Peter cứ mặc quần ngược chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết. Khi Peter chơi với Lucy 5 tuổi, bé hàng xóm, một lúc chạy về nói: “Mẹ ơi! Lucy bảo con mặc quần ngược, đúng không?” Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy! Con có muốn mặc lại không?” Peter gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa. Một buổi trưa, Peter giận dỗi không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận đẩy khay cơm xuống đất. Susan nhìn Peter giọng nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Buổi chiều, Susan nhờ bà nội ta nấu món Việt Nam thật ngon cho bữa tối. Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi đĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi đúng không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó!” Peter nhìn nét mặt nghiêm khắc của mẹ, òa lên khóc: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm” “Không được, nói rồi là phải giữ lời” Susan không một chút động lòng

(Ảnh sưu tập trên internet)


Bà nội thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai và lời dặn khi bà mới sang thăm: “Ở nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên xen vào, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào khác, bà nội ta chỉ còn biết giữ im lặng thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp mắt trừng trừng nhìn ba người lớn ăn uống. Buổi tối, Susan chúc Peter ngủ ngon. Peter dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi.” Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm.

Chưa hết, có lần Peter chơi với bạn, bất ngờ Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi òa khóc thật lớn. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, Susan không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở, Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?”

Lần khác, Peter làm đổ nước trên sàn nhà, Susan bắt con phải tự lau sàn nhà, thay quần áo ướt và tự giặt lấy. Peter không chịu, vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo con đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, bà nội ta lòng dạ đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại (Tây) của Peter lại cản, nói: “Đó là chuyện của Susan”

(Ảnh sưu tập trên internet)


Rõ ràng chuyện không thể tin được. Như ta biết, ở Mỹ, ông bà cha mẹ chỉ cần “bạo hành” với con cháu (dù chỉ bằng lời nói) cũng đủ cho nó nhấc điện thoại gọi cảnh sát tới bắt nhốt, huống chi là bỏ đói, đánh đập, hành hạ… như cô “dâu Tây” này! Trừ phi cô dâu bị tâm thần! Nếu không thì là bà mẹ có “vấn đề”.

Dù sao thì cũng nên “bình luận” một chút cho vui. Tục ngữ ta có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, ở đây ta không thấy có “thương” hay có “ghét”, chẳng “roi vọt” cũng chẳng “ngọt bùi” gì cả, nói khác đi không thấy có cái tình, chỉ thấy có cái lý. Cái lý thể hiện ở sự lạnh lùng, khắc nghiệt đến nhẫn tâm của người mẹ (giả sử vậy) – trong khi đứa bé hoàn toàn trái ngược, gần gũi với nhân tình (cận nhân tình): biết đói, biết khóc, biết hờn dỗi, biết sợ hãi, biết van xin, biết quậy phá, biết hối lỗi… Nói khác đi, nhờ còn bé, nó “người”hơn. Khi lớn thêm chút nữa, nếu bị uốn nắn trong cái khuôn “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, nó chẳng nghiễm nhiên trở thành một người… lạnh lùng, sòng phẳng, khắc nghiệt sao?

Tiếng ta có từ “dạy dỗ”. Dạy phải dỗ, dỗ phải dạy. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người ta không nhắc đến cha và ông. Khi nói con hư tại mẹ thì cũng có nghĩa là “con nên tại mẹ”. Nếu không có Mạnh Mẫu 3 lần dời nhà thì không có Mạnh Tử. Ở cô “dâu Tây” này ta thấy hình có “dạy” mà không có “dỗ”. Cái “kỹ năng sống” mà cô dạy đó (nếu đúng vậy) chưa chắc đã mang lại điều tốt lành cho đứa bé về sau. Nó sẽ luôn sống trong sợ hãi, căm thù, đề phòng, thủ thế, cảm xúc bị dồn nén đợi đến ngày bùng nổ. Cũng có thể có một thời nào đó, một đôi gia đình nào đó cá biệt nó vậy. Cho nên ngành “phân tâm học” (psychiatry), với các bác sĩ tâm lý đủ các học hàm phát triển mạnh ở phương Tây, nhằm giải tỏa ẩn ức của con người từ thuở còn thơ.

(Ảnh sưu tập trên internet)


Trẻ 3 tuổi mặc quần trái mà cứ để vậy, “miễn nó cảm thấy thoải mái” thì nó sẽ ở truồng cho thoải mái được không? Bé 3 tuổi chưa ý thức được thời gian bữa ăn trừu tượng đâu! Thời gian của nó là thời gian cụ thể, tùy theo nồng độ acid trong dạ dày làm nó cồn cào đói bụng, và nhu cầu năng lượng của nó thì rất cao, dễ dẫn đến loét bao tử! Cách dạy “ăn miếng trả miếng” sẽ gây “oán chồng oán chất”. Nhưng vui ở đây là ông “bố Ta” hoàn toàn lạnh lùng, bỏ mặc, “không can thiệp”. Nếu quả thật “dâu Tây” nào cũng tâm thần dạy con “kỹ năng sống” kiểu này tất sẽ không lạ khi cha mẹ già, con “sòng phẳng” đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, và lâu lâu lại có những vụ nổ súng vào đám đông không vì lý do nào cả…

Bình luận theo cái cách của đám bạn nhậu thì tương đối nhẹ nhàng và “nhân văn” hơn: THẬT TỘI NGHIỆP. Nhưng không phải tội nghiệp cho cậu bé 3 tuổi Peter, mà là cho ông “bố Ta”. “Tội nghiệp thằng đó lấy nhầm con vợ bị… khùng”

Vô Danh Tử

Theo http://banlatrieuphu.com/bai-viet/day-con-tu-thuo-con-tho-cua-dau-tay-3536

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

KIỂM SOÁT THỜI GIAN


KIỂM SOÁT THỜI GIAN


Bạn có bao giờ thử tính xem mình đã phí phạm bao nhiêu thời gian trong một ngày, một tuần, thậm chí trong cả cuộc đời mình chưa? Hãy tìm ra một cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất cho mình, và cả những kế hoạch thông minh để chuẩn bị cho thành công trong tương lai của bạn.

Bạn nên làm gì với thời gian của mình? Bạn có thực sự đã làm được những điều mong muốn trong một ngày, bạn có thực sự đã dùng thời gian của mình để làm việc, thậm chí đó có thể là những việc không quan trọng chưa? Biết được mình đang sử dụng thời gian như thế nào thực sự rất quan trọng nếu bạn muốn điều khiển mọi việc xảy ra trong cuộc sống của mình. Và dĩ nhiên, việc quản lý thời gian cũng rất quan trọng. Nếu bạn muốn biến giấc mơ của mình thành sự thật thì hãy lên kế hoạch sử dụng thời gian của mình ngay.

(Ảnh sưu tập trên internet)


Bước đầu tiên là bạn phải tìm hiểu xem mình thường dùng thời gian để làm gì. Bạn có thể dành ra một tiếng đồng hồ để làm việc này. Bạn nên viết ra giấy những công việc thường làm và cả thời gian để thực hiện chúng. Đó có thể bao gồm việc tắm, ăn, coi tivi, nói chuyện điện thoại, nấu nướng, di chuyển, quần áo, làm việc, học hành và những hoạt động khác. Bạn cũng nên để ý xem một ngày mình đã ngủ bao nhiêu tiếng, để xem bạn có ngủ quá ít hay quá nhiều không.

Vào cuối tuần bạn nên tự đánh giá tổng quát xem đã dùng bao nhiêu thời gian để xem tivi, hoặc đã phí bao nhiêu thời gian cho những công việc nào khác. Có thể bạn sẽ phải ngạc nhiên vì khoảng thời gian đã bỏ ra cho những việc vô ích. Rất quan trọng nếu như cuối tuần bạn tự hỏi mình một câu: “Có thật sự là tôi nên dùng thời gian của cả cuộc đời mình như tuần vừa rồi?”. Phần lớn sẽ trả lời là KHÔNG. Một cuộc nghiên cứu cho thấy, mỗi người Mỹ trung bình bỏ ra 30 giờ để xem tivi. Còn những nhà triệu phú thì bỏ ra khoảng 2 giờ một tuần. Sự khác biệt chính là những người thành công đã và đang sử dụng thời gian của mình vào những công việc có ích, chứ không phải cho việc giải trí đơn thuần.

Steven Convey trong cuốn sách First Thing First đã đưa ra một vài nguyên nhân giải thích tại sao người ta hay phí phạm thời gian. Ông chia cách quản lý thời gian ra làm 4 mục nhỏ:



Ông giải thích trong cuốn sách của mình là nhiều người sử dụng quá nhiều thời gian của mình cho những việc gấp nhưng không quan trọng đến mức họ cảm thấy chán nản và bỏ cuộc. Điều này khiến họ bắt đầu dùng thời gian vào những việc vô bổ như hút thuốc, uống rượu, xem tivi và nhiều việc tốn thời gian khác. Convey cho rằng nếu một người biết thực hiện theo một kế hoạch bao gồm những công việc như: đi học, phát huy một khả năng nào đó, theo đuổi một sở thích, tập thể dục, đọc những cuốn sách hay… thì sau này sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Ảnh sưu tập trên internet)


Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với một người bình thường muốn điều khiển cuộc sống của anh ta? Nó có nghĩa là: hãy dành thời gian cho những việc thật sự quan trọng. Nghĩa là hãy sắp xếp công việc và hãy lên kế hoạch. Nhiều người phản đối việc lên kế hoạch. Họ cho rằng lên kế hoạch làm mất đi tính tự nhiên của những việc xảy ra ngẫu nhiên. Dĩ nhiên nếu những việc xảy ra ngẫu nhiên có thể đưa bạn đến được cái muốn đến thì bạn không cần phải bận tâm lo lắng gì về việc lên kế hoạch nữa. Đối với phần lớn trong chúng ta thì việc ngẫu nhiên đó như chờ đợi một sự gián đoạn trong một chuỗi chán ngắt. Lên kế hoạch giúp bạn loại bỏ những điều chán ngắt, và cung cấp thêm những hoạt động bổ ích cho cuộc sống phong phú của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn không thể làm những gì mình muốn làm. Nó có nghĩa là bây giờ bạn lên kế họach cho việc nghỉ ngơi, làm việc, học hành, mở rộng những mối quan hệ… và những hoạt động khác.

Vô Danh Tử
Theo http://banlatrieuphu.com/bai-viet/kiem-soat-thoi-gian-3567

KHI HỌC NGOẠI NGỮ CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON


KHI HỌC NGOẠI NGỮ CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON


Bạn có từng đau đầu về việc học ngoại ngữ? Bạn từng thử mọi cách học phổ biến như đăng ký tại các trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng, thử học các ứng dụng trên điện thoại, tập giao tiếp với người bản xứ… và có vẻ như không có cách nào thực sự hiệu quả. Vậy bạn có từng nghe hay thử qua phương pháp “học ngoại ngữ như một đứa trẻ” chưa?

Môi trường chúng ta sinh sống có vai trò định hướng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ . Vốn từ vựng của bạn, cách bạn nói hay thậm chí ngôn ngữ bạn sử dụng đều được hình thành từ khi bạn còn là trẻ sơ sinh. Nếu một đứa trẻ Pháp sinh ra và lớn lên tại Việt Nam thì tiếng Việt sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức của nó và ngược lại. Nghiên cứu của đại học Helsinki tại Phần Lan chỉ ra rằng trẻ sơ sinh đã học được cách giao tiếp thông qua các thành viên trong gia đình ngay từ thời kỳ thai nhi. Độ khoảng 4 tuổi, trẻ đã có thể giao tiếp khá thuần thục như người lớn. Vậy cách học ngoại ngữ như một đứa trẻ là thế nào ? Đó là cách học chú trọng vào bốn kỹ năng chính mà trẻ sử dụng trong quá trình hình thành ngôn ngữ của mình: “Lắng nghe”; “Lặp lại”; “Phạm sai lầm” và cuối cùng là “Sự trải nghiệm ngôn ngữ”.

(Ngây thơ như đứa bé trong học ngoại ngữ sẽ thành công nhanh hơn  - Ảnh sưu tập trên internet)


1. Lắng nghe


Trọng tâm của quá trình học nói của trẻ là sự lắng nghe. Một đứa trẻ dành ra cả 1 năm đầu đời để nghe người lớn trò chuyện và dần dần hình thành các khái niệm về sự vật, hiện tượng và cảm xúc. Thế nhưng, kỹ năng nghe thường không được người lớn đánh giá cao trong việc học ngôn ngữ. Trên thực tế, chúng ta thường dành ra khoảng 50% cuộc giao tiếp cho việc lắng nghe. Lắng nghe giúp chúng ta hiểu được thông điệp người nói, học được từ ngữ, biết cách diễn đạt như người bản xứ và còn thể hiện sự tôn trọng của chúng ta dành cho đối tượng giao tiếp. Vì vậy, hãy tập lắng nghe và chỉ tập trung vào việc lắng nghe, tương tự như khi đứa trẻ chưa biết đi, chúng dành toàn bộ thời gian để nghe ba mẹ nó trò chuyện.

Phương tiện học tập: Internet, Âm nhạc, Phim ảnh…

(Sẵn sàng lắng nghe, đón nhận tất cả những âm thanh của bé đã giúp bé biết nói  - Ảnh sưu tập trên internet)


2. Lặp lại


Khi còn nhỏ, bạn có thường chăm chú vào những đoạn quảng cáo hay nghe đi nghe lại một bài nhạc? Sự hứng thú với quảng cáo và âm nhạc của những đứa trẻ không chỉ bởi những hình ảnh sinh động, âm thanh vui tai mà còn bởi các từ ngữ luôn được lặp đi lặp lại. Giải thích theo góc độ tâm lý, chính việc tác động lặp đi lặp lại của thông tin vào não đã tạo nên những đường mòn dấu vết trên não, làm cho ký ức được hình thành. Thông tin càng được lặp đi lặp lại nhiều lần thì não sẽ càng nhớ lâu hơn. Chính vì vậy cho đến tận bây giờ, bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bảng cửu chương hay đơn giản hơn là bảng chữ cái. Bằng chứng là giờ đây, bạn có thể đọc được nhửng dòng chữ này, hiểu hết ý nghĩa của nó và nhận ra chữ “nhửng” được viết bằng dấu hỏi chứ không phải là dấu ngã. Sự lặp lại sẽ khiến một ngoại ngữ trở thành ký ức của chúng ta, vậy sao bạn không bổ sung việc lặp lại vào kỹ năng học ngoại ngữ của mình?

Phương tiện học tập: Âm nhạc, Sách báo, Tập nói…

(Bé nói mọi lúc, mọi nơi, bé thích bình luận bất kỳ lúc nào  - Ảnh sưu tập trên internet)


3. Phạm sai lầm


Mỗi đất nước đều có những câu ca dao, tục ngữ riêng về sự sai lầm. Ở Mỹ ta có thành ngữ “Making mistakes is better than faking perfection” ( Phạm sai lầm còn tốt hơn là làm giả sự hoàn hảo”, Việt Nam thì có câu “Thất bại là mẹ thành công”, ở Nhật lại có “猿も木から落ちる”(Khỉ cũng ngã từ trên cây). Nhìn chung, tất cả các quốc gia đều khuyến khích con người phạm sai lầm. Thế nhưng, khi học ngôn ngữ, chúng ta rất ít dám thể hiện cái sai của mình. Kể từ trường học dạy chúng ta rằng, phạm sai lầm đồng nghĩa với điêm số thấp, chúng ta cảm thấy kinh sợ việc mắc lỗi. Thế nhưng đối với một đứa bé, khi nó chỉ con mèo và gọi đó là “chó”, chúng ta mỉm cười và sửa sai cho chúng. Vậy tại sao người lớn chúng ta không thử vứt bỏ cái tôi và phạm sai lầm? Dám thử và dám sai là con đường ngắn nhất giúp bạn tự tin trong giao tiếp với người bản xứ và thuần thục một ngoại ngữ

Phương tiện học tập: Giao tiếp, Chat với người bản xứ, Xung phong phát biểu trong giờ ngoại ngữ…

(Tự tin nói như một đứa trẻ thì sẽ thành công nhanh chóng  - Ảnh sưu tập trên internet)


4. Sự trải nghiệm ngôn ngữ


Nếu một thông tin trong não không được sử dụng, dần dần nó sẽ được dọn sạch khỏi ký ức của ta. Ngoại ngữ cũng hoạt động theo quy tắc tương tự như vậy. Một đứa trẻ có thể đi từ việc bập bẹ “babaa” sang sử dụng những câu phức tạp như “Mẹ ơi, đồ ăn hôm nay có mùi thiu thiu” là nhớ nó được sống trong chính ngôn ngữ ấy. Cả gia đình, bạn bè thầy cô, từ phim ảnh đến sách báo, tất cả mọi nơi đều sử dụng ngôn ngữ như là công cụ giao tiếp chính thức. Vì vậy, người lớn, hãy “đắm chìm” vào việc học ngoại ngữ: tập xem phim với phụ đề ngôn ngữ mà bạn đang theo học, đổi ngôn ngữ trên máy tính hay điện thoại của bạn phù hợp với ngoại ngữ ấy (bạn có thể đổi lại tiếng mẹ đẻ trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần nhớ lựa chon tùy chỉnh ngôn ngữ nằm ở đâu), hãy thử google những thông tin mà bạn cần tìm kiếm bằng ngôn ngữ bạn đang muốn thuần thục. Đây cũng là bước cuối cùng trong phương pháp “học ngoại ngữ như một đứa trẻ”.

Phương tiện học tập: Bất cứ nơi nào mà bạn có thể tiếp xúc với ngoại ngữ ấy.

(Ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi phù hợp sẽ luôn đem lại tiến bộ nhanh chónh  - Ảnh sưu tập trên internet)


Ngoại ngữ giờ đây đang trở thành một đề tài rất “hot” trong xã hội bởi nó là công cụ giúp bạn mở rộng cơ hội và thành đạt trong tương lai. Vậy nên hãy bổ sung thêm phương pháp “Học ngoại ngữ như một đứa trẻ” vào sổ tay kỹ năng của mình bạn nhé !

Tấn Đạt

Nguồn tham khảo:

Learning-induced neural plasticity of speech processing before birth
Listening: Our Most Used Communication Skill


Theo http://banlatrieuphu.com/bai-viet/khi-hoc-ngoai-ngu-chi-la-chuyen-tre-con-3603

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

CÁCH CÓ ĐƯỢC 7 NGÀY VUI VẺ TRONG TUẦN


CÁCH CÓ ĐƯỢC 7 NGÀY VUI VẺ TRONG TUẦN


Bạn có biết tâm trạng làm việc của mình thay đổi theo các ngày trong tuần không? Hiểu rõ được tâm lý của mình sẽ giúp bạn có lịch làm việc phù hợp và hiệu quả hơn.

(Các tâm trạng bắt đầu ngày làm việc của mỗi ngày trong tuần - Ảnh sưu tập trên internet)


Thứ Hai: Dậy sớm rất tốt


Hầu hết mọi người khi thức dậy vào sáng thứ Hai đều cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải… Nghĩ đến cả tuần làm việc khiến bạn cảm thấy “mất nhiệt huyết”. Bên cạnh đó, các cuộc họp quan trọng đa số đều diễn ra trong thứ hai càng làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi.

Vì vậy, dậy sớm giúp bạn có quỹ thời gian nhiều hơn, bạn có thể ung dung tập một vài động tác kéo dãn cơ thể và sau đó là một bữa điểm tâm giàu dinh dưỡng với thịt bò, trứng gà, sữa tươi và trái cây sẽ giúp cho bạn bắt đầu tuần mới tràn đầy năng lượng, hưng phấn.

(Dậy sớm luôn làm cho tâm trạng hưng phấn - Ảnh sưu tập trên internet)


Thứ Ba: Tập thư giãn


Một nghiên cứu mới của Anh đã chỉ ra, 10h sáng thứ Ba là thời điểm áp lực công việc nặng nhất trong tuần. Mọi người thường cảm thấy đau đầu vì công việc trong thời điểm này.

Khi cảm thấy áp lực công việc quá lớn, bạn nên thử biện pháp suy tưởng bằng hình ảnh để thư giãn. Bạn nên tìm một nơi tương đối yên tĩnh, nhắm mắt, thực hiện 10-20 lần hít thở sâu. Sau đó tưởng tượng bản thân đang trên thang máy, bắt đầu từ từ đếm 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng…liên tục cho tới tầng 10. Sau đó lại tưởng tượng thang máy đang từ từ đi xuống, và đếm ngược từ tầng 10 xuống tầng 1.

Thứ Tư: Nghĩ cách tự làm bản thân cười


Một giáo sư tâm lý học của Úc đã chứng minh: thứ Tư là thời điểm tâm trạng con người uể oải nhất trong tuần, và cũng là thời điểm phải tiếp nhận thông tin nhiều nhất, cảm giác nặng nề nhất.

Trong ngày này, tốt nhất bạn nên nghĩ cách để tự chọc cười bản thân như đọc truyện tranh, truyện cười, hoặc hồi tưởng lại những thành tựu của bản thân. Khi ý chí con người sa sút, thường có suy nghĩ tiêu cực. Lúc này, việc hồi tưởng lại những thành quả đã đạt được sẽ giúp tăng thêm sự tự tin, giúp tinh thần vững vàng hơn.

(Tưởng tượng điều khiến mình vui khi có tâm trạng oải là điều cần thiết - Ảnh sưu tập trên internet)


Thứ Năm: Vặn đèn sáng hết cỡ


Thứ Năm bị nhiều người coi là “đêm tối trước bình minh”. Ngày này không chỉ là ngày hiệu suất công việc thấp nhất mà còn là ngày tâm trạng chán nản nhất trong tuần. Những khó chịu tích luỹ từ các ngày trước hầu như đều bộc phát trong ngày này.

Cách tốt nhất để giảm căng thẳng trong ngày này là vặn ánh sáng đèn hết cỡ. Có nghiên cứu đã chỉ ra, ánh đèn càng sáng, khả năng tạo thành dopamine và serotonin trong não càng mạnh. 2 chất này sẽ giúp tâm trạng ổn định, vui vẻ hơn. Điều này cũng chứng tỏ tại sao ở những nơi ánh sáng tràn ngập, số người bị chứng trầm cảm càng ít.

Thứ Sáu: Coi như thứ Hai đầu tuần


Trải qua các ức chế tâm lý từ thứ Hai đến thứ Năm, sang ngày thứ Sáu bạn có cảm thấy thật thư giãn? Điều thú vị là ngày này đáng nhẽ là ngày không có tâm trạng để làm việc nhưng lại được chứng minh là ngày làm việc hiệu qủa nhất trong tuần. Sở dĩ như vậy do tâm trạng thoải mái khiến não bộ tập trung tốt hơn, tốc độ xử lý vấn đề cũng nhanh hơn.

Tốt nhất bạn nên coi ngày thứ Sáu như thứ Hai đầu tuần, để tránh truờng hợp thả lỏng quá, sẽ khiến ngày đầu tuần sau bắt đầu trong căng thẳng.

(Với hiệu quả làm việc như thế này thì bản thân luôn bị thiệt hại - Ảnh sưu tập trên internet)


Cuối tuần: Dùng 1 tiếng để nghĩ đến công việc tuần sau


Không dễ dàng mới tới cuối tuần nhưng nhiều cuộc điều tra cho thấy sau khi chơi hết mình trong ngày thứ Bảy, thường xuất hiện cảm giác lo lắng cho công việc tuần sau. Bạn càng nghĩ càng mệt mỏi, thậm chí gây mất ngủ, tạo thành “mối lo đi làm ngày thứ hai đầu tuần”.

Để giải quyết vần đề này, bạn nên thiết lập 1 hệ thống “công tắc” cho não bộ, tự nhắc bản thân khi có thể chơi, nên chơi hết mình, khi phải làm việc nên dốc hết sức. Chưa đến thứ Hai không nên nghĩ đến vấn đề công việc. Nếu thực sự không thể yên tâm, bạn có thể dành 1 tiếng buổi tối chủ nhật nghĩ xem tuần sau mình nên làm gì, và lên kế hoạch sơ lược cho công việc. Như vậy bạn sẽ cảm thấy tâm lý dễ chịu hơn rất nhiều.

Trương Tâm Hằng

Link bài viết đây nha mọi người: http://banlatrieuphu.com/bai-viet/cach-co-duoc-7-ngay-vui-ve-trong-tuan-3607

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO – CHÌA KHÓA CHO TƯƠNG LAI


NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO – CHÌA KHÓA CHO TƯƠNG LAI


Bạn đang là thành viên trong một nhóm học tập ở trường? Bạn siêu ghét nhỏ nhóm trưởng chuyên quyền, lúc nào cũng bắt ép bạn làm theo ý của nhỏ???

Bạn đang là nhân viên trong công ty nào đấy? Và bạn lúc nào cũng đi loa loa với những đứa bạn của mình: “Giám đốc của tui đó, tuyệt vời ông mặt trời luôn nha”.

Ây da, người ta nói “mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi cây mỗi cành nên đôi lúc bạn ghen tị muốn chết đi được vì bạn bè mình gặp được những lãnh đạo tốt, trong khi mình bị chèn ép trong cái tổ chức be bé. Tuy vậy, hãy cứ yên tâm rằng với sự phát triển vùn vụt của xã hội thì mỗi thời kỳ chúng ta lại bắt gặp một xu hướng lãnh đạo khác nhau, tương ứng với xã hội đấy. Nếu cứ mãi đi theo lối mòn sẽ rất dễ bị đào thải.

Đầu tiên, hãy cùng mình ghé mắt qua sơ đồ sau đây để điểm lại lịch sử sơ lược của các xu hướng lãnh đạo nhé. (Bật mí nha, lãnh đạo giờ đây đã thành “nghệ thuật” dẫn dắt con người, không phải dạng vừa đâu!).



Wow, quả là lịch sử “dài hơi” thật. Tuy nhiên, ở bài viết này, mình chỉ gói gọn trong việc tìm hiểu về nghệ thuật lãnh đạo hiện tại. Đó là những “Nhà lãnh đạo mới”, mà để mô tả về lãnh đạo này, người ta thường dùng từ “chuyển đổi” và “có sức hút”.

Transformational Leadership (Tạm dịch: Lãnh đạo chuyển đổi)


Tại sao gọi là “chuyển đổi”?

Tức là trong tổ chức sẽ có sự tương tác, ảnh hưởng và thay đổi lẫn nhau, chuyển đổi cả nhà lãnh đạo và những người đi theo họ. Kết quả sẽ mang lại đầu ra tích cực (ví dụ, năng suất, hiệu quả cao hơn trước).

Có 4 thành phần tạo nên lãnh đạo chuyển đổi, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là “4I”:



Charismatics Leadership (Tạm dịch: Lãnh đạo có sức hút với quần chúng)


Không phải lãnh đạo nào cũng dùng quyền lực để thúc đẩy cấp dưới làm việc. Có nhiều nhà lãnh đạo cực kỳ khéo léo, họ vận dụng “quyền năng” của tính cách và sức hấp dẫn của bản thân để khiến cho nhân viên đồng tình với mình.

Họ khá nhạy cảm với môi trường và nhu cầu của các thành viên. Khi đang trò chuyện cùng bạn, họ sẽ dành toàn bộ sự chú ý cho bạn, khiến bạn thấy như thể mình là người quan trọng nhất thế giới ngay lúc đó. Tuy nhiên, chỉ sau đó, họ quay ngoắt sang người khác và cũng dùng thái độ tương tự để nói chuyện với người kia. Chắc bạn sẽ cảm thấy hơi choáng nhưng hy vọng sau khi đã đọc xong bài viết này, các bạn coi đó là điều bình thường.

Giá trị của những nhà lãnh đạo có sức hút tạo ra thật sự rất lớn. Dễ hiểu thôi, có thể quy tụ quần chúng đứng về phía họ mà. Tuy vậy, nó là con dao hai lưỡi đấy. Nếu họ thật sự quan tâm đến mọi người, họ có thể nâng cao giá trị, gây biến đổi tích cực cho cả tổ chức. Còn nếu họ ích kỷ và hướng lợi ích về phía bản thân, thì thôi rồi, họ sẽ khiến bạn sùng bái họ mù quáng và đầu độc tâm hồn bạn. Lúc đó, bạn dễ dàng chấp nhận những giá trị họ đề ra một cách không phê phán.

“Có sức hút” là thành phần cần thiết của lãnh đạo chuyển đổi, nhưng lưu ý rằng lãnh đạo có sức hút chưa chắc là lãnh đạo chuyển đổi. Một bên chú trọng vào chuyển đổi tổ chức lẫn những người đi theo mình; truyền cảm hứng, phát triển và trao quyền cho những người đi theo; còn bên kia có thể không muốn thay đổi bất cứ thứ gì và thường không chấp nhận những kẻ thách thức, điều này khiến lãnh đạo có sức hút không muốn trao quyền cho ai.

Hướng dẫn trở thành nhà lãnh đạo chuyển đổi

Những nhà lãnh đạo có sức hút tạo ra sức ảnh hưởng to lớn
Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet

Hướng dẫn trở thành nhà lãnh đạo chuyển đổi


Để trở thành lãnh đạo chuyển đổi, bạn cần phải có chiến lược dài hơi đó, dài hơi như chính lịch sử của nghệ thuật lãnh đạo vậy. Vì vậy, hãy cầm bút lên và ghi chú lại những điều sau đây nha:

1. Vạch ra tầm nhìn rõ ràng và hấp dẫn



Một lãnh đạo tốt không chỉ cần có “tâm” mà còn cần có “tầm”
Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Một tầm nhìn cụ thể giúp tổ chức khoanh vùng lại được mục đích, mục tiêu và những tiêu chí ưu tiên của tổ chức.

2. Giải thích cách đạt được tầm nhìn đó


Tầm nhìn cụ thể là chưa đủ mà nó cần phải khả thi. Viễn vông quá sẽ chỉ khiến chúng ta choáng ngợp, rồi lại trèo cao té đau.


3. Hành động tự tin và lạc quan:


Hãy duy trì trạng thái lạc quan về tầm nhìn bạn đề ra. Nó rất dễ lây lan, nên bạn đã thể hiện tự tin thì cũng sẽ truyền được cảm hứng cho cấp dưới. Đừng có miệng nói “Tôi cực kỳ tự tin” mà giọng nói run rẩy, mặt lo lắng nhé.

4. Sử dụng những hành động gây ấn tượng, mang tính biểu trưng để nhấn mạnh giá trị cốt lõi:


Để minh họa cho hành động này, chúng ta có thể bắt gặp ở 2 vị CEO Peters và Austin (1985). Họ đã tự hủy phiên bản kém chất lượng của công ty mà trước đó đã được bán ra như hàng “second-hand”. Hành động này để công bố rộng rãi sự cam kết tuyệt đối của họ với chính sách mới của công ty - sau này sẽ chỉ bán sản phẩm chất lượng cao.

5. Lãnh đạo bằng gương mẫu của chính mình


"Hành động tốt hơn lời nói”. Điều này cực kỳ quan trọng khi nhiệm vụ khó khăn hay gây tranh cãi. Lãnh đạo truyền được cảm hứng không phải là kẻ ngoài cuộc nhìn nhân viên của mình bước vào “biển lửa” mà chính là người dẫn dắt đội quân của mình lao vào cuộc chiến.

Ví dụ điển hình tốt nhất không ai khác chính là nhà lãnh đạo
Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Nguồn tham khảo:

- Neil Anderson, Deniz S. Ones, Handan Kepir Sinangil, Chockalingam Viswesvaran (2001). Handbook of Industrial, Work _ Organizational Psychology. SAGE Publications, vol. 2.
- Gary Yukl (2010). Leadership in Organizations (7th Edition). Pearson Prentice Hall.
- Alexander Haslam, Stephen D, Reicher, Michael J. Platow (2011). The New Psychology of Leadership – Identity, Influence and Power. Psychology Press.
http://changingminds.org/disciplines/leadership/styles/leadership_styles.htm
http://www.le.ac.uk/oerresources/psychology/organising/page_09.htm



Thanh Mai

Link nguồn bài viết đây nha mọi người: http://banlatrieuphu.com/bai-viet/nghe-thuat-lanh-dao-ndash-chia-khoa-cho-tuong-lai-3609

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

HÃY BẮT LẤY ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG


HÃY BẮT LẤY ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG


Bạn có biết là động lực nào thúc đẩy mình viết bài này không?

Vì mình cũng đang rất cần động lực đấy. Sự thật là, mình thường rơi vào tình trạng cực kỳ ẩm ê chán chê, mất hứng thú với mọi thứ và không có động lực…học bài thi. Khi đã mất động lực thì thôi rồi, sẽ dùng mọi “thủ đoạn” để tránh cầm vở lên mà học, bất chấp luôn cả việc điểm có thấp hay có rớt môn không.

Chắc hẳn các bạn cũng đã vài lần trong đời rơi vào trường hợp mất động lực cuộc sống. Bạn ngồi nhà với trạng thái ủ dột, mệt mỏi và thốt lên “Tại sao tôi lười vậy?”

Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn các phương pháp giúp lấy lại động lực, hay để thổi bùng cảm hứng trong bạn. Bây giờ, hãy cũng bắt đầu nào!

Cảm xúc và động lực


Cuộc sống của bạn gắn liền với cảm xúc. Khi bạn làm việc, bạn học tập, cảm xúc sẽ thúc đẩy bạn. Đó chính là sức mạnh không thể chối cãi của cảm xúc. Vì vậy, để có động lực, hãy khởi đầu bằng việc tạo cảm xúc cho bạn, để bạn cảm thấy mình thật sự phải hành động.



Tích cực lên đi!


Khi bạn có tâm trạng tốt, tất nhiên bạn làm việc với tinh thần thoải mái nhất và kết quả bạn đạt được sẽ tốt hơn.

Sống tích cực là điều bạn có thể quản lý được và có thể luyện tập dần. Dẫu cho bạn có bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan bên ngoài thì cảm xúc vẫn là của chính bạn. Quản lý căng thẳng của bản thân và xây dựng một thái độ tự tin thử xem. Nó sẽ đem đến cho bạn cảm giác “quyền lực” để đánh bại khó chịu trong bạn đó.

Mình đã từng gặp một người chị trong buổi phỏng vấn. Nhìn chị ấy, chắc bạn sẽ có cảm giác là: “Tại sao chị lại luôn rất vui vẻ?”. Hãy để người khác đặt ra câu hỏi tương tự với bạn. Thay vì nghĩ về màu đen của cuộc sống, thì nhìn vào phía “màu hường” một chút, hay màu xám để cho nó bớt “đen” lại. Ví dụ, hôm nay bạn đã lỡ làm sai một câu trong bài thi mà bạn đoán chừng cả lớp chỉ có bạn làm sai, hãy tự an ủi mình một câu: “Dù sao cũng đã qua và dù sao thì mình cũng đã làm tốt những câu còn lại.”

Thay vì buồn vì mưa, hãy vui vì trời sẽ nắng sau cơn mưa - Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Và hãy lấy câu của Victor Frankl gối đầu giường của bạn: “Vấn đề của bạn không phải là vấn đề. Thái độ của bạn với vấn đề mới là vấn đề”.

Lựa chọn




Ellen Langer đã từng nói trong cuốn sách “Mindfulness”: “Nếu bạn nhận thức được lựa chọn, bạn nhận thức được động lực”. Hành động của chúng ta đều có mục đích và hướng đến kết quả. Bạn có hai lựa chọn: tìm kiếm thành công hoặc lẩn tránh thất bại. Rất nhiều người trong chúng ta là kẻ đi lẩn tránh thất bại, thức dậy theo tiếng chuông đồng hồ báo thức chứ không phải đồng hồ cơ hội. Khi bạn chỉ làm để tránh kết quả xấu, tất nhiên động lực của bạn sẽ chẳng có bao nhiêu.

Quan sát và học hỏi


Từ khi còn rất bé, bạn học hỏi bằng cách bắt chước. Bạn bắt chước dáng đi của mẹ hay chống cằm giả bộ suy tư như ba. Lớn một chút nữa, bạn biết bắt chước có chọn lọc, tiếp thu những cái tốt như đọc sách với bạn cùng lớp, bắt chước làm bài tập thêm ở nhà.

Việc bạn quan sát sự thành công của người khác cũng thôi thúc động lực trong bạn. Nó sẽ giúp bạn cải thiện niềm tin và truyền cho bạn sức mạnh khẳng định “Tôi cũng sẽ làm được”.

Vì vậy, thay vì ngồi đó chán chường, hãy lướt web và tìm vài tấm gương thành công có nền tảng và xuất phát điểm như bạn để có chút nét tương đồng và lấy họ làm động lực phấn đấu nào.

Khen thưởng


Mình lại đưa cho bạn một ví dụ minh họa của mình nhé.

Khi mình mới chập chững bước chân vào câu lạc bộ và trải qua thời gian thử việc, mình nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ những người đi trước. Mình bắt đầu dịch thuật, gửi bài và chờ nhận xét. Tất nhiên bài dịch lúc đó vẫn còn nhiều sai sót, đôi lúc nó còn thật … í ẹ nữa. Tuy vậy, trong bài góp ý của người hướng dẫn, không phải lúc nào cũng chỉ có chỉnh sửa mà còn có đôi lời khen tặng nữa. Chỉ một việc đơn giản thế thôi, mình đã cảm thấy công sức mình bỏ ra được công nhận. Bạn cũng vậy, khi được công nhận, bạn cảm thấy mình có năng lực. Nó truyền cho bạn sự tự tin và động lực mà theo nhà tâm lý hành vi B.F.Skinner, đó là sự củng cố tích cực, thêm vào yếu tố nào đấy để bạn gia tăng hành động.

Chúng ta rất cần những cái “like” từ người khác để thúc đẩy bản thân cố gắng hơn nữa - Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Tìm người nào đó để “lảm nhảm”


Con người sống không thể thiếu vắng người khác. Bạn có nguồn lực hỗ trợ rất lớn ở đằng sau. Đó là bạn bè, là gia đình ở bên bạn. Nếu động lực đã tắt ngấm, hãy tìm đứa bạn thân để “lảm nhảm” xem sao, gọi vài cú điện thoại cho mẹ, gửi vài tin nhắn buồn bã đến ba (nếu bạn đang ở xa) hay thậm chí là vùi vào lòng mẹ biếng nhác.

Nếu muốn thú vị hơn thì nhờ bạn bè giúp quản lý bản thân khi bạn đang mất kiểm soát như thế. Ví dụ nhé, bây giờ hãy thử tạo áp lực cho bạn. Lôi đứa bạn của bạn vào một quán café nào đấy và nhờ bạn ấy giám sát công việc bạn cần làm, chẳng hạn như viết 1 bài viết trong 3 tiếng và nếu sau 3 tiếng bạn không hoàn thành thì bạn phải cống nạp miễn phí 30 ngàn cho bạn ấy. Bạn nghĩ mình có “co giò” lên mà làm không?

Còn nếu lười học bài, hãy rủ nhiều người học chung thay vì ngồi học một mình. Theo các nhà tâm lý xã hội, con người có xu hướng “thích ứng” khi họ trong một nhóm. Họ sẽ đi theo mục tiêu mà nhóm đề ra, làm những việc mà những người khác trong nhóm cũng làm, cho nên chắc là bạn không muốn thành kẻ lạc loài nếu ai cũng siêng năng đâu nhỉ.

Những cách thức tạo động lực trên có hiệu quả đến mức nào còn phụ thuộc vào nỗ lực của chính bản thân bạn. Vì vậy hãy rời khỏi máy tính và chiếc điện thoại của mình ngay lập tức và tự tạo cảm hứng làm việc cho chính mình đi! Chúc bạn thành công và suôn sẻ nhé!

Nguồn tham khảo:

How to get motivated, according to science. Link truy cập: http://theweek.com/articles/445446/how-motivated-according-science
Video Ted talks: The psychology of motivation. Diễn giả: Scott Geller.


Link bài viết đây nha mọi người: http://banlatrieuphu.com/bai-viet/hay-bat-lay-dong-luc-cuoc-song-3610