Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

GIÁO DỤC CON NÊN NGƯỜI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI?


GIÁO DỤC CON NÊN NGƯỜI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI?


Ngồi café với lũ bạn cấp 2 nay đã về già, hỏi thăm nhau về con cái học lớp mấy, định học cấp tiếp theo trường nào, định học trường đại học nào. Từ hỏi thăm zui zẻ biến thành cuộc chiến tranh luận dữ dội khi nói về trách nhiệm giáo dục con cái nên người, người dân tốt nghiệp có việc làm.

Đa số đám bạn thì cho rằng, trách nhiệm chính là cha mẹ, chỉ mỗi Gitta trợn mắt tung miệng nói rằng: Trách nhiệm chính là của nhà nước. Thế là Gitta bị đám bạn chửi xối xả về sự vô trách nhiệm của một người làm cha mẹ.



Thế là Gitta có dịp trổ tài hùng biện ghê gớm của mình:

- Theo tụi bây, để một doanh nghiệp thành công thì trách nhiệm chính thuộc về ai?

- Thì tất nhiên là do người đứng đầu rồi

- Mày làm nhân sự, vậy mày hãy trả lời cho tao nghe: để một người mới vào làm, hiểu được công ty mày muốn gì, văn hóa như thế nào, cần làm việc, phối hợp với mọi người như thế nào thì phải làm sao?

- Thì tao phải huấn luyện hội nhập, phải có đầy đủ quy trình, hướng dẫn để họ làm đúng

- Vậy với một đất nước, để người dân hiểu rõ sứ mệnh của đất nước mình, người dân nắm rõ các vấn đề, văn hóa dân tộc được lưu giữ thì đất nước đó phải làm gì và là trách nhiệm của ai?

- ……..uhm, uhm….nhưng cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái.
Đúng, cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái. Nhưng đứng ở góc độ quốc gia, thì người đứng đầu nhà nước phải nhìn 100 năm hay ít nhất 50 năm nữa, đất nước này, con người Việt này sẽ như thế nào để mà đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng năm và phải có đầy đủ các hướng dẫn, giáo dục cho người dân để đạt được các mục tiêu đó.

Theo tao, nhà nước có trách nhiệm chính, chiếm ít nhất 60% trách nhiệm giáo dục người dân nên người. Đừng có cào bằng, đừng có chơi trò “cha chung không ai khóc” thì muôn đời chả có gì đi tới đâu.

Mày cũng biết, chắc chắn chẳng ai hiểu rõ hết các ngành nghề, nên dù mày làm nhân sự, mày cũng không thể hiểu hết các ngành nghề, huống hồ chi đa số không làm nhân sự.

Và trong mọi việc khác cũng vậy, một người không thể hiểu biết hết thế gian. Chính vì thế quốc gia nào cũng sắm ra quốc hội là vậy.

- …uhm….uhm….cũng có lý….nói chuyện với mày nhức não quá.

Nguồn bài viết: Sưu tầm

Thập Danh
https://goo.gl/EnPy8E

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

CHỦ TRƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC HAY VẠ MỒM CHO VUI?


CHỦ TRƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC HAY VẠ MỒM CHO VUI?


Ngồi quán nhậu với mấy thằng lai rai nói chuyện tây sang đông chán rồi tẹt qua café với các bạn nai tơ tán nát thời gian rồi cũng vào vùng xoáy “Đại học” mà cả xã hội đang bàn tán sồn sồn.



Không biết có phải vì bao chứa lương thực trong lòng tôi toàn là rượu và café nên tôi giận sôi lên với mấy cái kiểu bình lú bằng những giựt tưng tưng cái tựa như thế này:

- “Bi kịch “vào đại học”
- Càng học đại học càng thất nghiệp
- Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp
- Đỗ đại học để rồi thất nghiệp, danh giá nỗi gì?

May thay cho tôi, khi có một bạn hữu la ùm lên, tụi bây lên đọc bài này đi, kinh không tưởng luôn. Thế là cả đám dùng tay lướt trên sóng tin, đập con mắt dính chặt vào màn hình rồi cùng buông lơi, có đứa thì đẩy con mắt nhìn xa xăm, có đứa thì đá con ngươi lên trần nhà, riêng tôi, tôi quăng mấy đứa con vào cuộc bùng nổ: đúng, tao thấy đúng là “mất cơ hội cho bản thân nếu chờ sự thay đổi từ nhà nước”

Ôi! Người Việt Nam đáng thương và đáng giận của tôi ơi! Sao tôi vừa thương vừa giận lắm, tôi không biết những bài kêu gọi đừng vào đại học là chủ trương của nhà nước hay vạ mồm cho vui của mấy cha nhà báo hay của một thế lực nào đó đang cố tình chơi trò “ngu dân để dễ trị”

Thậm chí tôi đã từng nghĩ rằng: hay là ý đồ của thằng Trung Quốc. Nó khiến cho dân ta đổ xô đi học làm công nhân để nó chuyển công trường nhà máy thối nát của nó qua đây, để đất nước nó biến thành một đất nước “thiên đường Mỹ”, còn nước ta biến thành nước vét nghèo và chuyên đi làm công nhân, làm thuê cho chúng nó.

Cám ơn tác giả “mất cơ hội cho bản thân nếu chờ sự thay đổi từ nhà nước” đã phân tích rất sâu sắc, đã khiến tôi bừng sáng nhiều điều và là động lực cho tôi tiến lên phía trước, đặc biệt hơn, đã thúc đẩy tôi viết bài chia sẻ này (vì tôi chưa bao giờ viết bài, đây là lần đầu tôi mạnh dạn chia sẻ chính kiến của mình).

Đại Thanh – Giám đốc Nhân sự
https://goo.gl/LKohJG

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

HÌNH THÀNH MỘT ĐỘI VÀ CHỌN CÁC THÀNH VIÊN TRONG QUẢN LÝ


HÌNH THÀNH MỘT ĐỘI VÀ CHỌN CÁC THÀNH VIÊN TRONG QUẢN LÝ


Đối với một tập thể năng động và hợp tác, các thành viên nên có các tính cá nhân nhất định để đảm bảo làm việc theo nhóm thành công.

Đầu tiên, cần có sự tôn trọng giữa các thành viên trong nhóm. Thành viên có thể đưa ra ý kiến ​​của mình, tuy nhiên cần phải có sự tự chủ và tôn trọng chân thành đối với quan điểm và cảm xúc của người khác. Thứ hai, các thành viên nên sẵn sàng để hòa giải trong trường hợp có xung đột. Nếu một người nào đó có lỗi, không có nghĩa là họ không mong muốn cộng tác. Trong một môi trường cộng tác, cảm xúc của con người sẽ dễ bị tổn thương, và họ có thể bị xúc phạm bằng cách này hay cách khác. Do đó, sự nhạy cảm với sai lầm để khắc phục là quan trọng nhất. Cảm giác khó khăn và mối hiềm khích sẽ cản trở và ngăn chặn quá trình hợp tác trong đội viên. Thứ ba, cần có kỷ luật tự giác, đó là khả năng nhận biết khi bạn đang phản ứng thái quá và làm thế nào để bình tĩnh và kiểm soát thái độ của bạn.



Tuy nhiên, một số cá nhân trong cách cư xử chưa hợp lý đã khiến cho nhóm bị rối loạn. Cá nhân tôi đã gặp vấn đề với các thành viên như vậy dẫn đến sự không giao tiếp hiệu quả. Thiếu thông tin dẫn đến đội ngũ rối loạn trong đó về tổng thể, tác động nhiệm vụ của từng cá nhân trong nhóm. Một vấn đề khác mà tôi đã gặp trong quá khứ là thiếu sự cam kết, một hành vi mà bạn sẽ thường gặp trong đội. Thật không may, tôi đã vật lộn với các thành viên này để giải quyết công việc. Điều này gây ra tranh cãi và chậm trễ cùng với sự cản trở năng suất của chúng tôi. Làm việc với các thành viên như thế đòi hỏi rất nhiều về sự đấu tranh để đạt được mục tiêu của mình. Đầu tiên, khi các thành viên cho thấy không có sự tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ không thực hiện công việc mà không có sự lãnh đạo thúc đẩy họ. Thứ hai, có thể vì không có một sự cam kết giữa các thành viên trong đội, những người này họ không quan tâm đến các hoạt động của đội cũng như tìm cách tránh xa các đồng nghiệp. Thật không may, người quản lý không thể buộc các thành viên phải cam kết. Thứ ba, những xung đột giữa các cá nhân vì ý kiến ​​khác nhau, dẫn đến sự việc một số thành viên cho rằng ý tưởng của họ là cao hơn những người khác.



Tôi thích làm việc với các thành viên những người cam kết, năng động, và những người có khả năng giao tiếp hiệu quả. Tôi cảm thấy rằng đội có thể hoạt động hiệu quả hơn nếu họ có phẩm chất này. Là người quản lý đội, tôi sẽ cung cấp hỗ trợ lãnh đạo, tạo ra những mối quan hệ tốt với các thành viên trong nhóm, tương tác với họ để đạt được kinh nghiệm có ý nghĩa. Ngoài ra, tôi sẽ thiết lập chuẩn mực xác định sự tương tác nhóm và ứng xử. Sức khỏe của các cá nhân sẽ là một ưu tiên hàng đầu vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và thành tích đạt được của các thành viên. Cuối cùng, tôi sẽ xây dựng niềm tin cho một tổ chức sáng tạo và sáng tạo. Mặc dù nó có thể liên quan đến một số rủi ro, tin tưởng nhân viên, tăng cường sự dễ dàng và tự do truyền đạt ý tưởng của họ.

Hiếu Nguyễn - Chuyên gia Tài chính Kế toán (từ Houston)
https://goo.gl/B58tKg

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

ĐỪNG NGHE NHỮNG LỜI PHÁT XÉT CỦA THẦY CÔ


ĐỪNG NGHE NHỮNG LỜI PHÁT XÉT CỦA THẦY CÔ


Tuổi thơ quay về dữ dội khi đọc những chia sẻ của những người Việt chúng ta đang trao đổi với nhau về “Bức thư gửi Phụ Huynh học sinh của một Hiệu trưởng trường Singapore” vì tôi từng là một nạn nhân của thầy cô giáo, tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của bức thư này.



“Ở xứ này có trà mốc câu rất nổi tiếng, các em có biết không?”, “Ủa, uống mốc câu có bị móc họng không ha?”, một tiếng hỏi thì thầm thay cho câu hỏi của thầy địa lý, thầy rất thính tai nên đã giận dữ gọi trò đứng lên la ỏm tỏi, sau đó là cô chủ nhiệm yêu cầu trò mời phụ huynh vào để đánh hội đồng vì cái tội hỗn láo.

Cộng thêm các giáo viên môn khác xúm vào tự động xây dựng hình ảnh – thương hiệu cho cá nhân tôi là: Một đứa học trò hỗn láo, vô lễ, lập dị vì vừa hay phát ngôn bừa bãi, vừa hay câm như hến.

Bị đánh giá “Câm như hến” là vô lễ, vì thầy cô gọi tôi lên trả bài, dù tôi có thuộc vẹt làu làu, nhưng khi đứng trước lớp là tôi đổ mồ hôi hột từ đầu đến chân, cả người run lẩy bẩy, đầu óc tan nát. Thế là, không những tôi nhận được một trứng hột vịt tròn trĩnh mà còn nhận được lời nhận xét cay nghiệt: thứ học trò vô lễ, gọi lên trả bài mà chả ứ ừ ư gì cả, chả coi thầy cô ra gì cả.

Kết quả hạnh kiểm – đạo đức – cuối năm học của tôi bị các giáo viên đánh hội đồng đạt mức: Trung bình, với câu dạy dỗ rằng: Chưa bao giờ nhà trường có học trò có đạo đức mức trung bình.

Với kết quả về đạo đức như thế này đã làm tôi lao đao 5 năm sau đó, nào là không được lên lớp dù kết quả học tập đạt yêu cầu, học lên cấp cao hơn thì bị các thầy cô khác vô cùng ngạc nhiên, lo lắng, dè chừng khi làm chủ nhiệm của lớp mà có một em có đạo đức trung bình và các thầy cô này đều nghĩ: Chắc trò này kinh khủng, kinh dị dữ dằn lắm.

Đi quá hơn nữa cuộc đời đã giúp tôi nhận ra rõ rằng: Chỉ có một thiểu số rất ít em có tính cách kiên cường mới có thể tự vượt qua được những phán xét vô tội vạ của thầy cô, phụ huynh. Còn đa số sẽ trượt dốc bởi sự ám thị mà thầy cô, phụ huynh đã nhồi nhét vào não đứa trẻ.

“Xin đừng lấy mất đi sự tự tin và phẩm cách của các Em”, không ai có quyền tước đi "ước mơ và tài năng của con trẻ".

Nguyên Ngọc (Hiện đang là CEO của một doanh nghiệp vừa)
https://goo.gl/5qqfwn

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

TÂM SỰ VỀ HỌC THÊM CỦA LOÀI BÚT BI


TÂM SỰ VỀ HỌC THÊM CỦA LOÀI BÚT BI


Tôi là bút bi, cậu chủ tôi là học sinh lớp 4. Các bạn cũng biết đó, học sinh lớp 4 thì 10 tuổi mà 10 tuổi thì là trẻ em mà trẻ em thì Bác Hồ cũng có nói:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ, học hành là ngoan”

Nguồn: sưu tầm trên Internet


Vậy mà, hơ… “tui mệt dùm ổng luôn á”. Biết sao hông? Kể cho nghe nè.

Sáng 6 giờ là cậu chủ của tôi thức dậy, nhiều hôm còn mơ màng, còn ngây ngủ cậu chủ tưởng tôi là bàn chải đánh răng rồi ngon lành đưa vào miệng. Các bạn cũng biết đó, tôi có sạch sẽ gì đâu nhưng cũng đỡ hơn cái miệng của cậu chủ. Hơ… buồn tập 1

Đến lúc vào lớp, tôi là bút xanh nên được cậu chủ sử dụng nhiều nhất. Cậu là con nít, mà các bạn cũng biết đó, con nít viết bài không giống người lớn nâng niu giữ gìn. Cầm cây viết lên là mỗi lần tôi bị tra tấn, cậu sít tôi chặt trong tay, mỗi lần tôi bị bệnh (bị nghẹt mực) cậu chủ cứ đánh cái đầu của tôi vào cạnh bàn, cứ dùng hai tay xoay qua xoay lại để chữa bệnh cho tôi. Đau muốn chết, làm thì cũng nhẹ tay thôi chứ! Hơ… buồn tập 2.

Mà các bạn cũng biết đó, học sinh bây giờ học nhiều lắm, sáng học, trưa học, chiều học rồi tối học. Lúc nào cậu buông tôi xuống là lúc đó cậu được giải lao, ăn uống và ngủ, mà thời gian làm những việc này rất ít. Bởi vậy vòng đời của chúng tôi cũng chỉ hơn 1 tuần. Cuộc sống càng ngày càng tân tiến mà tôi tồn tại có ngần ấy thời gian thật là tiếc cho cái cuộc đời. Hơ… buồn tập 3.

Hôm nay bút bi được đi chơi. Có dịp được ngồi kế anh bút bi cấp 3 và anh bút bi đại học. Anh bút bi cấp 3 nói: “Anh khổ hơn em nữa, tụi cấp ba nó học như chạy “show” chưa đầy một tuần là tụi anh văng vách rồi”. Anh bút bi cấp đại học lại nói: “tụi bây do ăn ở thôi, tao may mắn được tụi đại học nó mua về. Tụi này đi học ít đứa chịu chép bài, thậm chí còn bỏ quên tao ở nhà nữa”. Nghe xong tôi với cấp 3 buồn thảm, đời bất công quá sao cũng là thân phận bút bi mà người như vầy như khác chứ. Hơ… các bạn cũng biết đó bút bi buồn tập 4.

Không còn bao lâu tôi cũng sẽ ra đi như các anh chị bút bi khác. Nhưng tôi cũng rất vui vì giúp cậu chủ học tập . Cho dù sao này cậu chủ quên tôi, cậu chủ không còn nhớ tôi giúp cậu viết ra điều gì nhưng tôi rất cám ơn cậu đã đồng hành cùng tôi trên quảng đường đi tìm tri thức.

Lời cuối cùng bút bi này rất muốn chia sẻ đến loài người một điều nhỏ nhoi thôi: “Giá như loài người không tồn tại từ “ bất công” hay “ đì” thì không có nhiều buổi học thêm vô bổ, thật sự quảng đời bút bi ngắn lắm mà thấy cậu chủ viết có một bài toán mà đến 3 lần từ học thêm, trong lớp và cho đến đi thi. Một bài văn 8 trang chép từ buổi học thêm cho đến lúc đi thi chép lại cũng để bút bi này xém mất mạng”.

Bút bi không muốn thấy cậu chủ ngủ trên bàn học, không muốn cậu chủ tưởng mình là bàn chải đánh răng, không muốn cậu chủ học áp lực rồi lôi bút bi ra đánh. Bút bi đau lắm loài người ơi.

Hãy thương bút bi bằng cách giảm thiểu những buổi học thêm vô ích đi nhé.

Để bút bi có dịp viết ra những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

Thảo Vy
https://goo.gl/UL9Z35

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

BẠN ĐÃ CỐ GẮNG HẾT SỨC MÌNH CHƯA?


BẠN ĐÃ CỐ GẮNG HẾT SỨC MÌNH CHƯA?


Ai rồi cũng đi làm, ai rồi cũng thích được khen ngợi, muốn được lương thưởng cao, làm việc trong môi trường dễ thương và thường nghĩ rằng, mình đã làm việc hết sức nên khi nghe sếp hỏi: “Cố gắng hết sức mình chưa?” thì thường khó chịu, “gầm gừ” phang lại sếp: “Đã làm hết sức, hết sức rồi, hỏi hoài thế!”

Đây không phải là câu hỏi để chê bai mà là câu hỏi động viên và thúc đẩy bạn làm giỏi hơn và giỏi hơn nữa cho chính bạn. Có điều, người nói câu này không phải là người yêu, người chị, người mẹ nên người nghe cảm thấy giống bị ném đá trong khi bản thân đã làm mệt mà còn bị hỏi làm hết sức chưa.

Việc ghét sếp “khó” là một sai lầm trong sự phát triển của bạn - Ảnh sưu tập trên internet


Giống như các bạn trai đang yêu hoặc đã yêu thường đứng chờ người yêu, thậm chí chờ một tiếng đồng hồ vẫn xem là chuyện nhỏ, vẫn khát khao, hào hứng cùng người yêu đi uống trà sữa mà vẫn không si nhan xí mụi cà na gì cả.

Tại sao bạn lại có những tâm lý như thế này?


Đó là do não của bạn đã được bao bọc bởi động lực – Chinh Phục – Bởi màu hồng của tình yêu, nên việc chờ đợi, khát khao chinh phục đã làm cho bạn có tâm trạng cảm thấy một tiếng đồng hồ chờ đợi như một cơn gió thoáng qua. Chờ đợi đã làm cho mức độ khát khao chinh phục tăng lên, khi đó ta lại càng muốn chứng tỏ bản thân mình và luôn tự tin rằng mình chắc chắn chiến thắng – đánh bại những cái đuôi khác của nàng.

Hãy nắm lấy thách thức trong công việc như nắm lấy tay người yêu lần đầu  - Ảnh sưu tập trên internet


Bạn đã cố gắng hết sức mình chưa?


Nếu bạn xem việc luôn “cố gắng hết sức mình” là “màu hồng của tình yêu”, là động lực chinh phục thách thức cho chính bạn, cho chính tình yêu của bạn thì bạn sẽ ngày càng chinh phục được các thách thức ở tầm cao hơn với tâm trạng khát khao, hứng thú đạt cho bằng được mục tiêu của thách thức thì chắc chắn bạn sẽ trở thành chuyên gia trong nghề nghiệp của mình.

Tất cả chúng ta đều đã từng vượt qua rất nhiều thách thức từ khi mới xuất hiện trong cuộc đời cho đến ngày hôm nay, phải không các bạn? Ai cũng biết điều này, cũng mong muốn thành công trong sự nghiệp, nhưng thực tế môi trường làm việc “khắc nghiệt” đã khiến cho đa số mọi người “nhục chí” mà quên mất dùng chiêu “màu hồng của tình yêu” để tự tạo cho mình động lực thúc đẩy chinh phục thách thức và thành công bền vững.

Bạn đã cố gắng hết sức mình chưa? Câu hỏi của cấp trên không phải để soi mói, để ném đá bạn mà chính là tạo màu hồng cho bạn để bạn làm tốt hơn, tận hưởng niềm vui – hạnh phúc khi hoàn thành công việc mà tưởng như mình đã buông xuôi mà không hoàn thành mục tiêu. Hãy cùng nhau tận hưởng thành công cùng với “màu hồng của tình yêu” nhé các bạn.

Nguyễn Vũ Tâm – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp theo tính cách MBTI toàn cầu

https://goo.gl/gt59TF

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

VÌ SAO TÔI ÍT SẺ CHIA VỚI MẸ HƠN?


VÌ SAO TÔI ÍT SẺ CHIA VỚI MẸ HƠN?


Có lẽ mẹ không biết được nỗi ê chề của tôi khi bị chính người mẹ của mình bêu ra trước đám đông nó như thế nào.



Sau khi đọc bài “Áp lực “nhìn con nhà người ta...””, tôi gửi chút tâm sự của mình.

Chỉ vì không vào được lớp chọn khiến cho mẹ luôn đánh giá thấp sự cố gắng của tôi. Mỗi khi đi học về, tôi khoe được điểm 9 hay điểm 10, mẹ thường chép miệng: “Ôi dào, 9 với 10 bây giờ dễ như ăn cơm ấy mà”.

Lần khác thì mẹ bảo: “Có phải 38 bạn còn lại của lớp con đều được 10 đúng không?”. Khi đó, một cảm giác tủi thân, hụt hẫng ùa về khiến tôi khép mình lại, ít sẻ chia với mẹ hơn. Có nhiều lúc tôi thấy sốc khi bị chính mẹ chê bai trước cổng trường. Hôm ấy, đón tôi, câu đầu tiên mẹ hỏi: “Nay con được mấy điểm?”. Khi nhìn thấy mắt tôi cụp xuống, mẹ nói luôn: “Lại điểm thấp phải không? Lại không thuộc bài đúng không? Con với chả cái, chỉ có ăn với học mà cũng để mẹ muối mặt thế này đây”.

Mẹ oang oang mắng tôi không thương tiếc. Một vài tiếng xì xào không làm mẹ bớt lời. Vài ánh mắt của bạn bè nhìn mẹ rồi nhìn tôi khiến tôi đáng thương như một con mồi vừa bị sập bẫy. Có lẽ mẹ không biết được nỗi ê chề của tôi khi bị chính người mẹ của mình bêu ra trước đám đông nó như thế nào.

Áp lực bị điểm kém, áp lực mỗi khi mẹ đem tôi ra so sánh với người này người khác, áp lực mỗi khi mẹ không công nhận sự cố gắng của tôi khiến tôi lúc nào cũng xoay vần trong cảm giác chán nản, như người thừa.

Tôi biết kỳ vọng của mẹ vào tôi rất lớn nhưng những áp lực mẹ tạo ra lại khiến tôi thấy nặng nề, quá sức chịu đựng. Gần như lúc nào tôi cũng phải gồng mình lên để học, để phấn đấu cho vừa lòng mẹ. Có lúc tôi thấy hoài nghi tình cảm của mẹ dành cho mình.

Tôi cũng hoài nghi vào năng lực thật của mình. Tôi nói dối nhiều hơn vì không muốn bị mẹ trách phạt. Tôi đi học nhiều hơn để đỡ phải ăn cơm tối cùng mẹ bởi tôi sợ những khi mẹ “lên lớp” tôi, những khi mẹ dằn vặt tôi vì chuyện học. Con người ta thèm khát bữa cơm bên bố mẹ, còn tôi lại sợ những lời mắng nhiếc của mẹ ở mỗi bữa cơm và tôi chạy trốn...

Có lần tôi kêu chán học, mẹ gào lên: “Mày muốn bỏ học hả, tao cho mày nghỉ luôn, càng đỡ nhục”. Tôi chưa bao giờ được sống thật với bản thân mình và ở ngôi nhà của mình, tôi thấy sợ những áp lực...

TUẤN KIỆT
https://goo.gl/fKNTRr

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

BẠN SẼ LÀM GÌ KHI VẬN NƯỚC LÂM NGUY?


BẠN SẼ LÀM GÌ KHI VẬN NƯỚC LÂM NGUY?


Mọi người đang bình luận ì đùng về “Trước tương lai, sao thể yên lòng?” của nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, rồi “Mất lòng tin thì vận nước sẽ lâm nguy”,…Tôi mới hỏi nhân viên, Việt Nam ta lâm nguy khi: Bên ngoài tấn công hoặc bên trong nổi loạn muốn lật đổ bộ máy nhà nước hoặc là sự kết hợp cả hai, nếu rơi vào các trường hợp này thì tụi em sẽ làm gì?

Mọi người tần ngần suy nghĩ trong vài giây thì không khí bắt đầu sôi sùng sục:

1. Người thứ 1: Chạy trốn

2. Người thứ 2: Không biết nữa, khó quá

3. Người thứ 3: Chạy trốn luôn

……..

Chỉ có một người mạnh mẽ, dứt khoát: Sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước. May mắn sao cũng có 1% thốt ra điều này.

Sau câu trả lời của mọi người, tôi đều hỏi “Tại sao” và hầu như những ai trả lời “chạy trốn” đều trả lời như nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đó là vì: “Tham nhũng tràn lan, bộ máy quản lý nhà nước bị chi phối bởi các quan hệ hậu duệ và tiền tệ,….”

Anh có tin không? Em không biết bị lỗi gì mà bị công an thổi vào, em mếu máo nói: Dạ, em chỉ còn 250.000 đồng à. “Đưa 200.000 đây, đi đi”

“Mày ngu, mày phải nói là: Em hết tiền rồi, em chỉ còn cái áo à, anh lấy không, em lột ra”

“Cuộc vui” lan ra dữ dội, những tràng cười muốn vỡ tung hết cái bụng khi mọi người chia sẻ với nhau các tình huống bị trấn lột giữa ban ngày, trong dòng đời tấp nập người.

Như bừng tỉnh, cả đám quay lại hỏi tôi: Ủa, vậy chứ sếp sẽ làm gì khi vận nước lâm nguy?

“Uhm, khó thật. Thời nay, một đất nước khác đến xâm chiếm nước ta và trở thành chiến tranh thì khó xảy ra, nếu rơi vào trường hợp này thì anh sẵn sàng chiến đấu. Còn nếu vì bộ máy nhà nước quá tệ hại, đến nổi lâm nguy thì ….khó thật…khó quá, vì không biết bộ máy mới sẽ như thế nào, không biết họ có làm được không, hay cuối cùng nước mình luôn bất ổn vì nội chiến triền miên như nhiều nước khác”

“Vậy ruốt cuộc, anh làm gì?”

“Uhm, chắc anh phải phân tích kỹ, anh sẽ theo bộ máy nào có hành động quyết liệt, đến cùng vì tầm, tâm, xúc cảm thần thánh”

Nguyên Ngọc (Hiện đang là CEO của một doanh nghiệp vừa)

Phần trên là phần chia sẻ của anh Nguyên Ngọc. Còn Bạn, Bạn sẽ làm gì khi vận nước lâm nguy? Chia sẻ với mọi người suy nghĩ của Bạn nhé, để Bạn Là Triệu Phú biết đường trước, căng quá không chừng dẹp bỏ công cuộc xây dựng công cụ Chọn Nghề, Hành Nghề ĐẦU TIÊN của Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập cho người Việt Nam, mà thay vào đó xây dựng cái khác phù hợp với thời lâm nguy của đất nước…huhuhu.



https://goo.gl/1zPCdT

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

CÓ NÊN GHÉT CÔ VĂN SUỐT ĐỜI


CÓ NÊN GHÉT CÔ VĂN SUỐT ĐỜI


Ngày đầu tiên tôi mặc áo dài là cái ngày tôi được gọi là nữ sinh cấp 3. Trong đầu vẫn mơ hồ về ước mơ tương lai. Tôi luôn ấp ủ ước mơ nhưng cho đến khi gặp được cô giáo dạy Văn thì đời tôi đã thay đổi.

Nhớ hồi còn học cấp 2, những tháng ngày tôi say mê với những vần thơ, ca từ hay lời văn của một nhà văn tôi luôn yêu quý nhất, Nguyễn Quang Sáng. Tháng ngày tôi luôn tham gia mấy cuộc thi thơ rồi cho đến viết thư UPU. Tháng ngày mà tôi cầm trên tay bài văn 10 điểm. Tôi yêu văn, tôi yêu từ lúc đó rồi. Vậy mà cô, chính cô đã phá hủy cái tương lai của tôi.

Tôi đúng? (Ảnh minh họa)


Tại sao cô phá hủy tương lai của tôi ư ? Vì mỗi tiết dạy tôi chỉ biết gục lên gục xuống nhìn tới nhìn lui mấy cái slide mà chép bài, cô giảng cứ mặc cô, mà cô giảng có hiểu gì đâu. Tôi ghét cô lắm, tôi ghét vì cô thiên vị, ai học thêm thì cô thương cô yêu, ai không học thì cô ghét cô bỏ. Mà cô à: “vô dạy thêm cô cũng chỉ đọc bài cho tụi bạn em nó viết thế thì ở nhà đọc sách, đọc báo còn có ý nghĩa hơn. Còn đến lúc chấm bài, cô chỉ xem bài nào của học trò “cưng” thì cô chấm điểm cao, còn không thôi thì đo gang mà chấm bài. Nhưng cô quên rồi cô à,”

“Văn hay chẳng luận viết dài

Vừa mới mở đầu đã biết văn hay”

Ca dao Việt Nam


Văn dài chưa chắc văn hay (Ảnh minh họa)


Tôi buồn, tôi buồn cho cuộc đời mình bất hạnh khi gặp một giáo viên như cô. Tôi hụt hẫng cho những gì tôi say mê biết bao năm nay. Tôi đã bỏ, tôi bỏ những ước mơ và cả những con người như cô ở lại. Tôi đã học theo khả năng, tôi học toán cái môn mang đến cho tôi nụ cười từ những người thầy, những bài kiểm tra điểm cao, cái môn mà tôi lấy lại được niềm vui.

Ba năm trôi qua cũng nhanh, tôi lúc này đây phải tự quyết định tương lai mình. Khả năng với sở thích nên chọn cái nào đây? Đó là câu hỏi mà tôi đã tự hỏi mình suốt từng ngày cuối cấp. Tôi muốn vào Đại Học, tôi muốn ba mẹ hãnh diện về tôi. Nhưng tôi cũng muốn chạy theo đam mê, muốn thực hiện ước mơ mình ấp ủ suốt những ngày ấu thơ. Làm sao đây, chạy theo đam mê thì nguy cơ không học được Đại Học rất cao vì tôi có luyện cái gì đâu, cả môn văn bây giờ chỉ là mớ hỗn độn và chán ngắt. Khả năng và sở thích tôi chỉ chọn được một, và tôi đã chọn, đó là khả năng.

Tôi đã lạc đường (Ảnh minh họa). Đừng lạc đường khi đã có công cụ Chọn Nghề, Hành Nghề ĐẦU TIÊN của Việt Nam: http://banlatrieuphu.com/bai-kiem-tra


Tháng ngày Đại Học của tôi đã đến, giấy báo trúng tuyển với cái ngành mà tôi chỉ nghĩ về nó cách đó khoảng 10 ngày. Đại Học đối với người khác là cả một công trình say mê nghiên cứu. Còn tôi, hai từ Đại Học chỉ là “học đại” hay “độc hại”. Tôi đã thấm cái vị của trái ngành, tôi nhớ lại cô và tôi vẫn tiếp tục ghét cô.

Tôi buồn lắm, tôi quyết định tìm con đường thành công. Sống khác biệt sẽ thành công và học trái ngành tôi cũng sẽ thành công. Nhưng rồi sao, khi tôi đã tìm được con đường thành công, tôi đã bất chợt nhận ra một điều: “mục tiêu của tôi không bao giờ đem lại hạnh phúc”. Cái thứ làm tôi vui mỗi ngày không phải hình ảnh một người đầu tắt mặt tối với mấy con số, kiểm rồi kê. Không, thứ đem đến niềm vui trong tôi là con chữ mang trái tim của một con người hối hận. Hối hận vì đã từ bỏ đam mê, vì đã ghét một người không nên ghét là cô Văn.

Tôi đã hiểu, trong môi trường giáo dục, mười người thầy tốt cũng sẽ tồn tại một người thầy xấu, cái đó được gọi là công bằng. Còn tôi, tôi hối hận vì mình không biết nhận ra ngay lúc đó, tôi hận mình là vì người dạy mình không tốt mà bỏ cả đam mê. Tôi là một đứa hèn.

Tôi đã trở lại là mình, tuy rằng vẫn còn nằm trong môi trường Đại Học. Nhưng tôi vui khi mình đã tìm ra được đam mê của mình và nhận được hạnh phúc khi từng ngày chạy theo. Và cuối cùng chỉ muốn gửi lời xin lỗi đến cô Văn “em xin lỗi, em đã sai, có lẽ em không nên ghét cô hơn 5 năm nay”.

Hãy biết mình là ai, mình có tính cách, sở thích, năng lực như thế nào bằng cách vào link MIỄN PHÍ - http://banlatrieuphu.com/bai-kiem-tra

Thảo Vy
https://goo.gl/oLg5Vb

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

TÔI ĐÃ BẮT GẶP MỘT CHÂN LÝ ĐI QUA CUỘC ĐỜI TÔI...


TÔI ĐÃ BẮT GẶP MỘT CHÂN LÝ ĐI QUA CUỘC ĐỜI TÔI...


Tôi vốn là cựu học sinh chuyên Văn của tỉnh, từng đứng đầu tỉnh trong cuộc thi học sinh giỏi, lẽ thường, có lẽ tôi đã ngồi vỏn vẹn trong Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Đúng như vậy, năm ấy tôi thi đại học đủ điểm để đỗ vào ĐHKHXH&NV TP.HCM, nhưng không, tôi đã chọn cho mình ngành Kinh doanh quốc tế - Một ngành kinh tế mà tôi hằng mơ ước khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và tôi toại nguyện vì điều đó khi học đúng ngành học mình ao ước ở một trường Đại học mới mở ngành này ở TP.HCM. Rồi tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm cho chính cơ quan ngôn luận của Hiệp Hội Giao Nhận Kho Vận Việt Nam. Lúc đó Hiệp hội có tên là Viffas còn bây giờ là VLA. Tôi thật may mắn khi được các chú trong Hiệp hội dìu dắt và cả chú Tổng Biên Tập của tờ báo ngành kinh tế Logistics mà tôi được học, đã tạo điều kiện cho tôi được học hỏi và cọ xát kiến thức, kinh nghiệm của mình trước phong ba bão táp cuộc đời.

Với kiến thức, kinh nghiệm được học và cả sự tích lũy cho bản thân không ngừng nghỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi được vào làm việc ở đối tác đầu tiên của Google ở Việt Nam. Và tôi là một trong những người nòng cốt của nhân sự phía nam của công ty trước khi công ty trở thành công ty đa quốc gia mở chi nhánh ra nước ngoài. Với tất cả sự nhiệt huyết và tình yêu công việc, khi đọc những trang sách “Bạn là triệu phú” tôi thấy mình như được thấy những điểm sáng mà mình từng “mò mẫm” trong công việc khi đi làm. Đâu đó, “Bạn là triệu phú” nghiệm lại khoảng thời gian mà khi ra trường, một đứa sinh viên còn lúng túng, bỡ ngỡ hình dung ra môi trường doanh nghiệp, môi trường mà chúng tôi sẽ gắn bó… Điều đó thật là đáng quý như cẩm nang cho cuộc sống vào đời của một người đi làm, là bảo bối của tuổi trẻ Việt Nam giúp nhận biết được con đường đi ở phía trước để làm chủ được tương lai và cuộc sống.



Giờ đây, khi đã ngoài ba mươi, tôi thấy mình thật may mắn khi được trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Từ môi trường doanh nghiệp tư nhân, công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia, nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận…, ở đâu tôi cũng làm tốt công việc của mình bằng cả niềm đam mê. Không nơi nào tôi qua không để lại cho tôi những dấu ấn công việc khó phai và cả sự tri ân của đồng nghiệp dành cho tôi. Tôi đang dừng chân ở một công việc hỗ trợ dạy học đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam và một công việc ở nhà nước nhưng tôi luôn tự nâng cao năng lực cho bản thân và luôn luôn học hỏi những điều mình chưa biết cũng như nâng cao kiến thức cho mình qua nhiều hình thức.

Tôi còn nhớ như in năm 2005, cách đây 10 năm tròn, khi tôi và người bạn học lớp chuyên Toán – khi đó chúng tôi học năm cuối cấp 12 mà còn lọt thỏm giữa mớ bòng bong khi không biết đâu là định hướng nghề nghiệp. Chúng tôi luôn ước có được ai đó hoặc công cụ nào đó thực tế giúp chúng tôi tìm ra được nghề nghiệp thích hợp cho mình. Năm ấy, bạn tôi thi đỗ Đại học Bách Khoa TP.HCM và cả Đại Học Ngoại Thương TP.HCM. Khác với nhiều người dự đoán bạn tôi sẽ học Bách Khoa nhưng bạn tôi đã chọn học ngành Kinh Tế Đối Ngoại ở Đại Học Ngoại Thương. Bạn ấy hiện đang làm cho EXIMBANK Hội sở chính Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, từng lọt vào vòng thi quý Olympia của VTV – Đài Truyền Hình Việt Nam.

Bây giờ, chắc có khi gặp lại bạn, tôi sẽ tự tin chia sẻ với người bạn năm ấy của tôi về công cụ chọn nghề, hành nghề của công ty Balance, tôi rất bất ngờ thú vị với công cụ mang ý nghĩa giúp đỡ thế hệ thanh niên Việt Nam nhận biết được con đường vào đời. Để “Bạn là triệu phú” của cuộc đời bạn và thế hệ mai sau của Việt Nam có thật nhiều tỷ phú đô la, thật nhiều bạn chọn đúng ngành đúng nghề, tránh lãng phí tài nguyên nhân lực quý báu của đất nước, tôi hy vọng công cụ này sẽ được ủng hộ và lan truyền mạnh mẽ hơn nữa trong thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề để bước vào thế giới nghề nghiệp, hội nhập, văn minh và xứng đáng là con rồng cháu tiên.



Tôi biết rằng, xung quanh tôi có rất nhiều người thành công. Giám đốc của tôi, bạn tôi, anh tôi, chị tôi,…tất cả chúng tôi đang gieo trồng những hoa thơm trái ngọt cho cuộc sống gấm hoa của Việt Nam sau này. Tôi từ bỏ mức lương vài trăm đô la một tháng để lặng lẽ cống hiến cho một công việc ở nhà nước giúp đỡ cho các em miền núi có đủ sách, vở để học hàng năm, ứng dụng máy tính cho công việc của một cơ sở giáo dục vùng sâu vùng xa. Giám đốc của tôi là ông chủ của công ty truyền thông có hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chân lấm, tay bùn đi trồng rau sạch và đặt tên là trang trại trung thực để phục vụ khách hàng những mớ thực phẩm đúng nghĩa tránh xa ung thư. Anh tôi tuy mới khởi nghiệp nhưng vẫn hướng đến một giấc mơ cho thế hệ thanh niên Việt Nam chọn cho mình lối đi nghề nghiệp vững vàng để tiếp tục một con đường mới vinh quang.

Chân lý đi qua cuộc đời tôi là chân lý của những chú ong chăm chỉ đi góp nhặt cho đời những hoa thơm mật ngọt và chung tay vì một lý tưởng sống của thanh niên Việt Nam, làm giàu, giữ nước, lập thân, lập nghiệp. Chúng tôi không múa bút, không phải là những anh hùng bàn phím, không phải là những nhà diễn thuyết tài ba… Chúng tôi là những con người thực đang xây đắp tương lai bằng cả khát vọng. Hãy đánh thức tiềm năng của bạn và đi cùng chúng tôi, vì chính Bạn là triệu phú.

Chào mừng “Bạn là triệu phú” ra đời với tất cả niềm tin yêu của thanh thiếu niên Việt Nam và tương lai của chúng ta.

Người viết

Lê Thị Minh Khoa

https://goo.gl/rBfgAi