Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

NHỮNG KIỂU ĐỒNG NGHIỆP NÊN TRÁNH XA


NHỮNG KIỂU ĐỒNG NGHIỆP NÊN TRÁNH XA


Nếu bạn đã từng ít nhất một lần bị đồng nghiệp “đánh” sau lưng thì bạn cũng không phải là trường hợp hiếm hoi. Theo một khảo sát của tập đoàn Creative, trong số những người được phỏng vấn, hơn một nửa nói rằng họ đã từng bị đồng nghiệp “chơi xấu”.

Những kiểu đồng nghiệp nên tránh xa


Trong một cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng về vấn đề “Bạn có biết khi đồng nghiệp đang tìm cách phá hoại công việc của bạn không? Nếu có thì bạn làm gì để bảo vệ bản thân?” Gần 3/4 người được hỏi trả lời là có biết nhưng lại không biết làm gì để tự vệ.

Tiến sỹ Gary Namie, giám đốc viện nghiên cứu về các thói xấu nơi công sở cho biết, việc các đồng nghiệp thường tìm cách phá hoại ngầm công việc của nhau không còn là hiếm. Nếu bạn kẹt trong những tình huống như vậy thì dưới đây là một vài thông tin Gary đưa ra giúp bạn hiểu và tìm cách tự phòng vệ cho bản thân.

Những kiểu đồng nghiệp nào thường phá hoại công việc của bạn?


Trong hầu hết các ngành đều có hiện tượng này nhưng phổ biến hơn cả là trong những ngành liên quan đến sáng tạo. Dưới đây là một vài kiểu đồng nghiệp bạn nên tránh xa:

Người hay coi thường người khác: Những kiểu người này thường tìm cách hạ thấp bạn trước mặt mọi người và khiến mọi người đánh giá sai về tính cách cũng như năng lực làm việc của bạn.

Người chuyên cướp công của người khác: Họ luôn có những thủ đoạn để nẫng tay trên những ý tưởng và thành quả công việc của bạn.

Người chuyên đổ lỗi cho người khác: Những người này không bao giờ tự nhận cái sai về mình. Nếu công việc không đạt kết quả tốt hay khách hàng than phiền họ sẽ đổ lỗi cho bạn dù đúng hay sai.

Người chuyên buôn chuyện và nói xấu sau lưng: Chuyên buôn dưa lê và nói những chuyện không đúng sự thật về người khác khiến cho uy tín của họ bị giảm sút.

Người hay trốn việc: Kiểu người lười biếng, luôn trốn tránh trách nhiệm và dồn công việc của mình cho người khác.

Người luôn ghét những ai hơn mình: Kiểu người này sẽ nguy hiểm hơn nếu họ là sếp của bạn, bởi vì họ luôn lo sợ những người giỏi hơn sẽ lấy mất những gì họ đang có. Vì thế họ sẽ không giúp đỡ bạn trong công việc hay thậm chí sa thải bạn.

Một vài bí quyết giúp bạn “tự vệ”


Có thể việc đồng nghiệp làm với bạn chưa nghiêm trọng nhưng lâu dài về sau cũng sẽ khiến tương lai sự nghiệp của bạn bị ảnh hưởng. Do vậy, bạn cần phải có những phản ứng kịp thời và hiệu quả để người đồng nghiệp đó không hành động với bạn như vậy một lần nữa.

Tuy nhiên, trước hết bạn cũng cần phải tìm hiểu rõ rằng hành động của đồng nghiệp này là do vô tình hay cố ý. Có thể đồng nghiệp của bạn không ý thức được hành động của họ là gây hại cho bạn thì bạn nên bỏ qua hoặc nếu có dịp sẽ nói để họ hiểu và tránh cho những lần sau. Nhưng nếu việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần, thì bạn cần phải lên tiếng và có những hành động tự vệ.

Tìm kiếm đồng minh: Tìm kiếm những đồng nghiệp cũng bị người kia “chơi xấu” và nói chuyện với họ để cùng nhau tìm giải pháp.

Nếu có thể, xin nói chuyện với cấp trên: Đặc biệt trong những trường hợp mà việc phá hoại này ảnh hưởng đến danh tiếng cũng như lợi ích của công ty thì sếp sẽ rất sẵn lòng lắng nghe và giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Đừng cho rằng đây là chuyện cá nhân: Thay vì kể lể với những đồng nghiệp thân thiết như chuyện riêng tư của bạn, bạn hãy nói với mọi người về thiệt hại trong công việc vì hành động ích kỷ của người đồng nghiệp xấu tính kia.

Tìm một công việc khác: Nếu bạn không may mắn khi việc phá hoại này không thuyên giảm và ngày càng trầm trọng hơn thì hãy chuẩn bị cho sự ra đi. Làm việc với những người xấu tính như vậy cũng khiến bạn khó có thể thăng tiến trong công việc cũng như cảm thấy tinh thần không thoải mái mỗi khi đi làm.

Theo Phununet / Yahoo

https://goo.gl/td1pbg

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

ĐỐI PHÓ VỚI 5 KIỂU ĐỒNG NGHIỆP KHÓ ƯA


ĐỐI PHÓ VỚI 5 KIỂU ĐỒNG NGHIỆP KHÓ ƯA


Môi trường làm việc cạnh tranh khiến cho mối quan hệ đồng nghiệp trở nên căng thẳng. Mối quan hệ nơi công sở ghi nhận sự tương tác, bổ trợ giữa các cặp quan hệ giữa nhân viên – sếp, nhân viên – nhân viên, nhân viên – khách hàng...… Đó chính là lý do vì sao bạn không thể "coi thường" quan hệ với những người đồng cấp. Mối quan hệ đồng nghiệp không tốt sẽ khiến môi trường làm việc của bạn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Từ đó, khả năng thăng tiến của bạn sẽ bị hạn chế đáng kể. Nói một cách khác đi, mối quan hệ đồng nghiệp tốt cũng là một tác nhân dẫn tới thành công trong sự nghiệp.



Như một xã hội thu nhỏ, môi trường công sở có nhiều dạng người khác nhau. Có những đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy thật khó chịu, nhưng hàng ngày vẫn phải đối mặt, vẫn phải làm việc cùng. Thật may, việc “chung sống hòa bình” với những đồng nghiệp như vậy là một kỹ năng mà bạn có thể học được.

Dưới đây là 5 kiểu đồng nghiệp khó ưa hay gặp nhất ở công sở và cách đối phó với họ.

1. Đồng nghiệp không trung thực


Nhận diện: Đây là những đồng nghiệp thích khoe khoang hoặc thổi phồng về những thành tích mà họ đã đạt được. Họ không quan tâm đến năng lực thực tế và sự chăm chỉ của bản thân nhưng lại chú trọng đến việc thổi phồng và tỏ ra mình như thế. Họ thích nói nhiều về công việc hơn là làm việc.

Ảnh hưởng: Bạn là người thích làm việc chăm chỉ và coi thành tích là thứ yêu, bạn thường cảm thấy phiền với kiểu đồng nghiệp như thế này, có lẽ họ là người hoàn toàn trái ngược lại với bạn.

Cách giải quyết: Hãy kiểm soát hình ảnh của bản thân ở nơi công sở, bằng năng lực bản thân, hãy cho mọi người thấy được rằng bạn là người có kỹ năng và chuyên môn. Những thành tích bạn đạt được là do công sức và sự cố gắng mà bạn đã bỏ ra. Hãy chủ động tự vệ theo cách của mình, đừng để kiểu đồng nghiệp này “tranh công” của bạn. Đừng ngại lên tiếng nói về vai trò của bạn trong công việc, dự án mà mình tham gia.

2. Đồng nghiệp “dốt nhưng có thiện chí”


Nhận diện: Họ là những người chăm chỉ làm việc nhưng năng lực bản thân lại hạn chế, hoặc không phù hợp với công việc được giao. Trong những vấn đề mang tính chất quan trọng và quyết định, họ không thể đưa ra chính kiến của bản thân mà luôn cần tới sự trợ giúp của những người xung quanh.

Ảnh hưởng: Khi gặp đồng nghiệp kiểu như thế này, bạn có thể gặp một ít phiền phức, bởi sự thiện chí và chăm chỉ của họ khiến bạn không dễ chỉ trích họ. Lúc này câu nói “cần cù bù thông minh” xem ra không phát huy hiệu quả là bao. Trong quá trình làm việc thời gian kéo dài, điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

Cách giải quyết: Nắm được điểm mạnh của kiểu đồng nghiệp này để giao cho họ những công việc phù hơp, tránh giao những công việc mang tính chất quan trọng. Nếu có thời gian, hãy giúp đỡ họ khi cần thiết, hướng dẫn họ cách làm việc thay vì làm thay cho họ. Hãy nhận xét trung thực, thẳng thắn về năng lực và hiệu quả công việc của họ nếu bạn là Sếp, không dùng những lời lẽ “mật ngọt” để an ủi, chia sẻ hay động viên để làm họ yên tâm. Nói cho họ biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có thể tập trung vào công việc và hoàn thành nó hiệu quả.

3. Đồng nghiệp lười


Nhận diện: Đây là kiểu đồng nghiệp không thích làm việc và luôn trì hoãn thời hạn công việc được giao. Họ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác và không đưa ra sáng kiến gì để góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu công ty.

Ảnh hưởng: Nếu bạn là một người làm việc thực sự, thì đồng nghiệp lười không khác gì một vật ngáng đường. Phải mất nhiều công sức để ép những người lười hoàn thành công việc đến nỗi, những người xung quanh họ thường từ bỏ cố gắng và làm “luôn cho xong” phần việc của kẻ lười nhác. Vấn đề là, bạn không có thẩm quyền để sa thải đồng nghiệp lười, và sếp có thể cũng không muốn làm việc đó.

Cách giải quyết: Chỉ tập trung vào công việc của bạn. Với tư cách là một đồng nghiệp, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể “dung túng” đồng nghiệp lười bằng cách làm hộ một phần việc của họ? Nếu bạn cảm thấy áp lực phải “giúp” anh/cô ấy, và bạn biết rằng đây là kiểu người không bao giờ biết đáp trả hay thay đổi, hãy trình bày vấn đề với sếp trước khi phải nhận thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ này. Nếu bạn là nhà quản lý, kiểu nhân viên này đòi hỏi bạn phải dùng tới cách thức quản lý vi mô. Hãy giao cho họ những nhiệm vụ nhỏ với hạn hoàn thành gấp rút và liên tục đốc thúc họ.

4. Đồng nghiệp ích kỷ


Nhận diện: Lúc nào cũng chăm chăm tới lợi ích của bản thân mà không nghĩ đến lợi ích của người khác, tìm mọi cách để được tăng lương và thăng chức.

Ảnh hưởng: Khó để làm việc với loại đồng nghiệp này vì họ chỉ biết quan tâm đến lợi ích bản thân mà không suy xét mọi hướng.

Cách giải quyết: Nếu bạn là một người có tinh thần làm việc tập thể, thì bạn hoàn toàn đối lập với những đồng nghiệp ích kỷ. Họ có động cơ và cảm hứng hoàn toàn khác biệt với bạn. Vì vậy, hãy chỉ cho những đồng nghiệp này tham gia vào nhóm của bạn nếu công việc của nhóm đáp ứng được lợi ích của họ. Bạn cũng phải chấp nhận thực tế rằng, họ sẽ không bao giờ muốn làm điều gì vì lợi ích của nhóm. Nếu bạn là sếp, hãy sử dụng tính cạnh tranh của những nhân viên này trong những trường hợp đặc điểm đó có thể trở thành sức mạnh. Chẳng hạn, những nhân viên ích kỷ có thể cạnh tranh “trường kỳ” với những người khác hoặc với chính bản thân họ để vượt mục tiêu về doanh thu.

5. Vị sếp khó ưa:


Nhận diện: Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết mọi người đều không thích sếp của mình. Ngay cả những người có quan hệ tốt với sếp vẫn không ưa một vài khía cạnh nào đó trong tính cách hoặc một vài hành vi ở công sở của sếp. Rất may là bạn không bắt buộc phải yêu quý sếp hay là bạn của sếp, nhưng bạn phải làm việc hiệu quả với sếp.

Ảnh hưởng: Dù không ưa sếp, bạn vẫn phải làm việc liên tục cùng sếp, và bạn phải làm việc cho sếp.

Cách giải quyết: Xác định chính xác xem bạn không ưa sếp ở điểm nào. Sếp đi vào quản lý những công việc nhỏ nhặt nhất? Sếp không định hướng được công việc? Sếp không giỏi ở lĩnh vực quan trọng nhất trong công việc của sếp? Sếp đối xử bất công với bạn? Hay bạn chỉ không thích một tính cách cá nhân khác người của sếp? Một khi nhận ra được vấn đề cụ thể, bạn có thể tìm ra một hướng đi hợp lý.

Trên đây là các cách để bạn thích nghi hoặc ít ra thay đổi được gì đó đối với nhiều kiểu đồng nghiệp khác nhau. Chúc bạn có một môi trường làm việc tốt và thoải mái.

Phương Anh - dantri.com.vn
Theo The Fast Track


https://goo.gl/7qXQWG

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

BÍ QUYẾT LÀM VIỆC ĂN Ý VỚI ĐỒNG NGHIỆP


BÍ QUYẾT LÀM VIỆC ĂN Ý VỚI ĐỒNG NGHIỆP


Theo tác giả Kate Ward của cuốn sách “Cá tính nơi công sở: Bí quyết để làm việc với (hầu như) bất cứ ai” thì mỗi cá tính khác nhau lại có một lối ứng xử khác nhau và cần một cách tiếp cận riêng. Theo tác giả, thông thường có 4 nhóm cá tính thường gặp nơi công sở đó là: người bộc trực, người sôi nổi, người thận trọng và người có tính hệ thống. Và sau đây là một số gợi ý về dấu hiệu nhận biết và cách tiếp cận tương ứng.



1. Người bộc trực.


Dấu hiệu nhận biết: người bộc trực thường rất thẳng thắn. Họ có xu hướng dẫn dắt người khác bằng hành động và không ngại đưa ra các quyết định. Nhìn vào bàn làm việc của họ bạn sẽ thấy những tài liệu được xếp thành nhiều chồng.

Điểm mạnh của người bộc trực đó là sẵn sàng chấp nhận rủi ro và quyết đoán. Nhưng cũng chính vì vậy họ thường có xu hướng đưa ra kết luận vội vã và hành động quá nhanh. Trong lời nói họ có thể dễ gây ra bất đồng hoặc có phần thiếu ý tứ và thường bác bỏ ý kiến của người khác.

Vậy làm sao để làm việc với người bộc trực? Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng và chỉ nói chuyện công việc. Khi bàn thảo hãy đưa ra nhiều phương án để họ có thể lựa chọn và không cảm thấy bị ép buộc. Đồng thời cần xác định những ranh giới rõ ràng bởi những người bộc trực thường tận dụng điểm yếu của người khác, vì vậy đừng quá thân mật với họ

Người bộc trực thường cảm thấy hài lòng khi được công nhận những thành quả cuối cùng và những thay đổi họ có thể tạo ra. Vì vậy hãy trao cho họ những vị trí đòi hỏi sự bao quát trong một nhóm dự án thay vì những công việc cần sự tỉ mỉ.

2. Người sôi nổi.

Dấu hiệu nhận biết: Họ là những người có sức lôi cuốn và thích lôi kéo những người khác tham gia vào công việc. Đồng thời bản thân họ cũng thích làm việc theo nhóm. Bàn làm việc của họ có đặc trưng là thường lộn xộn, bừa bãi.

Điểm mạnh của người sôi nổi đó là rất hợp tác và dễ gần. Nhưng điểm yếu là họ có thể đưa ra lựa chọn trước khi thu thập đủ thông tin và dễ mất bình tĩnh. Để làm việc ăn ý với người sôi nổi bạn nên khuyến khích họ đưa ra các ý tưởng.

Khi muốn phủ quyết ý kiến, tốt hơn hết bạn hãy nói gián tiếp về công việc thay vì chỉ trích thẳng vào cá nhân họ bởi người sôi nổi rất dễ phản ứng khi bị từ chối. Hãy tập trung vào toàn cảnh của dự án, tránh phê phán những tiểu tiết.

Làm thế nào để động viên, khuyến khích người sôi nổi? Đừng ngần ngại đưa ra những lời khen tặng cho ý tưởng của họ cũng như khả năng phối hợp với những người khác.

3. Người thận trọng.


Dấu hiệu nhận biết: Đây là những người có xu hướng dẫn dắt bằng cách khuyến khích và hướng dẫn. Họ có vẻ dễ tính và ít khi gây ra mâu thuẫn. Trên bàn làm việc của họ thường sẽ có nhiều đồ lưu niệm cá nhân.

Người thận trọng thường dễ dàng hợp tác với những người khác, mềm dẻo và có thể nhận ra đâu là ý kiến tốt hơn. Tuy nhiên cũng vì vậy mà họ thiếu quyết đoán và không giỏi trong việc phản hồi cho người khác.

Để làm việc ăn ý với những đồng nghiệp ở nhóm này, khi bàn thảo một vấn đề bạn hãy đưa ra những bước nhỏ dễ thực hiện để họ không cảm thấy bị choáng ngợp. Đồng thời hối thúc họ đưa ra phản hồi bởi những người thận trọng dễ có xu hướng thụ động. Cách tốt nhất để khiến họ cảm thấy mình đặc biệt đó là đề cao sự tận tâm, trung thành và trao cho họ một vị trí có thể giúp họ thể hiện sự tự tin và hỗ trợ cho người khác

4. Người có tính hệ thống.


Dấu hiệu nhận biết: Luôn khát khao đạt được những thành tích cao. Bàn làm việc của họ thường rất ngăn nắp.

Điểm mạnh của người có tính hệ thống đó là óc phân tích, sự chính xác, kỹ lưỡng trong khi làm việc. Ngược lại điểm yếu của họ là nhiều khi quá sa đà vào tiểu tiết, dễ làm tổn thương người khác và không được linh hoạt.

Để làm việc với họ, bạn nên có những phản hồi thẳng thắn về những gì họ đang làm và hãy đảm bảo rằng bạn luôn có số liệu rõ ràng để minh chứng cho nhận xét hay đề xuất của mình. Người có tính hệ thống thích được khen về những kết quả cao họ có được và sẽ là phù hợp khi giao cho họ những công việc đòi hỏi phải phấn đấu vì doanh số, thời hạn chót và các chi tiết.

Thanh Tùng - dantri.com.vn

https://goo.gl/DrWCBy

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

ỨNG XỬ VỚI ĐỒNG NGHIỆP KHÓ CHỊU



ỨNG XỬ VỚI ĐỒNG NGHIỆP KHÓ CHỊU


Bạn không thể làm việc một mình. Sự thành công của bạn ảnh hưởng rất nhiều vào sự phối hợp với đồng nghiệp. Mỗi người lại có một cá tính khác nhau. Bạn nên tùy vào cá tính mỗi người để có cách cư xử hợp lý.


1. Người bảo thủ.


Đây là một người không bao giờ chấp nhận phê bình cho dù có tính xây dựng và được góp ý theo cách gì đi chăng nữa. Họ cho rằng mọi thứ mà họ làm đều đúng. Không có bất cứ một ai có thể làm thay đổi cách làm, cách nghĩ hay tư duy của họ.
Cách đối phó: Cách tốt nhất để khuyên giải "ông Hoàn Hảo" này là hãy ủng hộ ông ta thật tích cực trước khi bạn định phê bình. Hãy tự phê bình chính bạn trước tiên và sau đó lựa lời nói với người này rằng bạn cũng đã từng mắc những lỗi tương tự. Tránh những từ ngữ như "không bao giờ", "luôn luôn". Bạn cũng nên nói một cách chung chung, sử dụng từ "chúng ta" thay vì nói trực tiếp là "bạn", "ông", hay "anh".
Bạn không nên sử dụng e-mail để phê bình những người theo kiểu này. Hãy làm việc này một cách cá nhân, mặt đối mặt thì sẽ giảm được tối đa sự hiểu nhầm, đồng thời cũng hạn chế được những phản hồi có tính chỉ trích.

2. Người luôn luôn thích phản đối.


Đây là những người sẽ tranh luận đến cùng, những người thích sự đối lập và luôn tìm ra những vấn đề từ những người khác.
Cách đối phó: Có lẽ phải đặt anh ta vào đúng chỗ của mình nhưng điều duy nhất bạn làm bây giờ là hãy để tự anh ta kết thúc vấn đề này. Đừng ngắt quãng hay làm phiền khi anh ta đang nói. Khi anh ta kết thúc vấn đề thì bạn nên đưa ra ý kiến của mình. Thay vì việc "đổ thêm dầu vào lửa", những luận điểm có lý hơn sẽ luôn luôn giành thắng lợi. Hãy đồng ý với những ý kiến bất đồng nếu bạn cần phải làm như vậy. Và trong mọi trường hợp, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh.

3. Người có cái "tôi" trong mình.


Đây là hình ảnh thu nhỏ của người có lòng tự trọng. Anh ta có một giác quan khá nhạy cảm và luôn tin rằng tất cả mọi thứ đều tập trung xung quanh nhu cầu của anh ta. Anh ta nhận được lời khen ngợi từ nhiều phía mà không cần biết anh ta có xứng đáng nhận nó không. Những đồng nghiệp hay bị ám ảnh cũng cho rằng những vấn đề của anh ta luôn lớn hơn và quan trọng hơn của bất cứ ai.
Cách đối phó: Cố gắng không thua kém mẫu người này sẽ luôn giúp bạn làm tốt hơn công việc của mình. Hãy chỉ cho người quản lý của bạn nhận ra những đóng góp và cống hiến của bạn, đặc biệt là khi làm việc cùng với nhóm với mẫu người này. Hãy ghi nhớ những thành tích mà bạn đã đạt được. Và cũng đừng nên lo lắng khi con người này lấy ý kiến của bạn và biến nó thành của riêng anh ta. Nếu anh ta là mẫu người như vậy thì đã đến lúc bạn để mọi người biết được con người thật của anh ta.

4. Người cứng đầu cứng cổ.


Những người này chỉ làm theo cách của mình, không chịu thay đổi ý kiến và tiếp thu ý kiến mới, mặc dù đối với một số người thì ý kiến của những người này không có hiệu quả. Người cứng đầu cứng cổ thường không tốn sức để tranh luận với những người khác nhưng anh ta lại lẳng lặng làm theo cách của mình.
Cách đối phó: Cách tốt nhất là bạn nên để anh ấy làm theo ý kiến của mình. Có một điều rất thuận lợi là nếu cách anh ấy làm không tốt thì anh ta sẽ tự chịu sự thất bại. Dĩ nhiên, nếu như bạn không cố chấp thì hãy cố gắng giúp đỡ những người cứng đầu cứng cổ. Nếu có thể hãy làm cho họ tin rằng họ phải có trách nhiệm với những ý kiến của mình.

5. Những người hay nói xấu.


Đây là kiểu người mà tất cả chúng ta đều ghét. Anh ta nói xấu bạn và công việc của bạn với người khác. Trước mặt đồng nghiệp và cấp trên, anh ta luôn cho rằng bạn là người không có năng lực. Mặc dù những thông tin anh ta đưa ra chưa biết là đúng hay sai nhưng những người hay nói xấu lại rất thành công trong việc giúp mọi người nhận ra một chân lý: "Nếu anh nói xấu người khác thì anh cũng chẳng ra gì."
Cách đối phó: Lần đầu tiên bạn nghe thấy những lời nói xấu của anh ta, hãy đặt những lời lẽ "tầm phào" này ra một bên, hãy cho anh ta biết rằng bạn đang nhận ra động cơ việc anh ta nói xấu người khác. Hầu hết các nhân viên trong văn phòng đều muốn tránh sự đối đầu, vì vậy nếu bạn để anh ta biết rằng bạn sẽ không tha thứ cho anh ta, anh ta sẽ cẩn thận hơn trong "lời ăn tiếng nói" của mình. Có thể anh ta sẽ bác bỏ những lời buộc tội của bạn, nhưng miễn là bạn có chính kiến thì anh ta sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình.

6. Người thích trò "đổ lỗi" cho người khác.


Đó là người không bao giờ có trách nhiệm với những lỗi lầm của mình và sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, thường xuyên là rất vô lý. Anh ta không nhận ra rằng cách dễ nhất để gây ấn tượng cho các đồng nghiệp là hãy thừa nhận khi mình làm việc gì đó sai và tìm cách để tránh gặp lại những lỗi đó trong tương lai.
Cách đối phó: Hãy chọn thời điểm thích hợp để chia sẻ trách nhiệm với anh ta. Nhưng nếu bị đổ lỗi không hợp lý, bạn nên làm rõ "trắng đen" với cấp trên, thậm chí nếu bạn phải làm việc này bằng các cuộc nói chuyện riêng tư.

7. Người hay than vãn.


Đây là típ người luôn luôn phàn nàn, soi mói người khác. Anh ta thường xuyên có thái độ nhạo báng đối với những việc xảy ra xung quanh mà không cần quan tâm liệu những người khác có muốn nghe mình hay không.
Cách đối phó: Đây là người đã có tính cách ăn sâu vào bản chất, vì vậy bạn có thể sẽ không thay đổi được tính cách anh ta. Nhưng bạn có thể giảm tối thiểu những phản ứng với anh ta bằng cách bảo rằng bạn đang bận khi anh ta bắt đầu nói với bạn về những điều nhỏ nhất để từ đó chỉ trích bạn hoặc những đồng nghiệp khác. Có thể, anh ta sẽ mếch lòng, nhưng dẫu sao đó cũng là biện pháp tốt nhất
Những gợi ý trên giúp bạn làm những cách tốt nhất để đối phó với những người có cá tính rất khó chịu. Nhưng bạn vẫn không thể không giao tiếp hay tiếp xúc với họ hàng ngày. Trong những trường hợp xấu nhất, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây:
Tránh tiếp xúc khi không cần thiết.
Bạn không nên phớt lờ hoàn toàn anh ta nhưng bạn nên cố gắng từ chối càng nhiều càng tốt. Điều này giúp bạn khỏi mất thời gian và phiền toái vô ích.
Báo cáo với nhà quản lý.
Nếu bạn cố gắng giải quyết một mình theo cách riêng thì chẳng có lợi chút nào. Có thể đã đến lúc phải phản ánh những vấn đề này với cấp trên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu nó ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của bạn.
Đưa vấn đề lên phòng nhân sự.
Nếu cấp trên của bạn không giải quyết vấn đề bạn nêu ra một cách hiệu quả, bạn nên đưa vấn đề này lên phòng nhân sự. Những người làm công tác nhân sự đã được đào tạo để giải quyết những tình huống theo kiểu này.
Đưa vấn đề tới các phòng ban khác trong công ty.
Nếu như vẫn chưa được giải quyết thì bạn có thể yêu cầu thiết lập lại cơ cấu tổ chức của công ty. Đây có lẽ là một tình huống khó khăn nhưng đôi khi bạn không còn sự lựa chọn nào khác.
Theo Job Vn
https://goo.gl/b8nL8U

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

NHỮNG KIỂU ĐỒNG NGHIỆP ĐƯỢC YÊU MẾN


NHỮNG KIỂU ĐỒNG NGHIỆP ĐƯỢC YÊU MẾN


Đồng nghiệp là một phần quan trọng trong sự nghiệp. Có cơ hội được làm việc với những đồng nghiệp tốt là ước mơ của nhiều người lao động.

Ngoài sự gắn bó trong công việc, đồng nghiệp còn là người có thể chia sẻ với bạn mọi điều trong cuộc sống. Vậy liệu bạn đã có một đồng nghiệp thân thiết hay chưa?

Nếu chưa, hãy tìm kiếm xung quanh một trong những kiểu đồng nghiệp mà ai cũng ao ước được làm việc cùng.

1. Đồng nghiệp chia sẻ.


Đây là nguồn động viên, ủng hộ tích cực nhất của bạn. Họ vui với niềm vui và buồn với nỗi buồn của bạn. Hãy biết trân trọng những đồng nghiệp như vậy.

2. Đồng nghiệp tâm tình.


Bạn có thể "tám chuyện", xả hết buồn vui, giận hờn và chia sẻ mọi bí mật trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày với người này.

3. Đồng nghiệp tri kỉ.


Họ là người bạn trung thành, nhìn bạn với con mắt ngưỡng mộ và sẵn sàng thực hiện những việc bạn nhờ vả mà không đắn đo, ngại ngần.

4. Đồng nghiệp "tấm gương".


Hãy xác định trong công ty ai là người giúp bạn nhận thấy điểm mạnh và yếu của bản thân mình. Đồng nghiệp "tấm gương" phản ánh những mục tiêu và là động lực để bạn học hỏi, phát triển.

5. Đồng nghiệp vui tính.


Tất cả mọi người đều yêu thích tiếng cười. Hãy tìm cho mình một người bạn có thể đem lại tiếng cười hài hước ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.



6. Đồng nghiệp "kết nối".


Chắc chắn bạn biết người này vì anh/ chị ấy biết tất cả mọi người trong công ty. Mạng lưới quan hệ rộng rãi của đồng nghiệp "kết nối" là điều mơ ước của nhiều người, trong đó có cả bạn. Do đó, hãy kết nối với một đồng nghiệp như vậy để mở rộng mạng lưới của chính mình.

7. Đồng nghiệp là trưởng nhóm.


Sẽ có thời điểm bạn gặp khó khăn trong công việc và đó là lúc bạn cần sự giúp đỡ của trưởng nhóm. Anh/ chị ấy là người đủ tự tin và mạnh mẽ để có thể hỗ trợ cho bạn.



8. Đồng nghiệp cạnh tranh.


Đây là người luôn đứng đằng sau và thầm cạnh tranh với bạn. Nhờ họ, bạn có cảm hứng để làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn.

9. Đồng nghiệp là "thiên thần hộ mệnh".


Có thể bạn không để ý nhưng đồng nghiệp "thiên thần hộ mệnh" luôn ở bên cạnh, đưa ra lời khuyên, truyền cảm hứng, thậm chí tạo một điều kì diệu cho bạn.

10. Đồng nghiệp chín chắn.


Người chín chắn sẽ lắng nghe tất cả vấn đề của bạn và đưa ra những ý kiến sâu sắc. Bạn có thể học hỏi từ họ sự uyên thâm, bình tĩnh, phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Theo doanhnhansaigon.vn

Nguồn Ezine


https://goo.gl/5LuCWH

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

13 KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI BẬN RỘN VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC NĂNG SUẤT


13 KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI BẬN RỘN VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC NĂNG SUẤT


Người bận rộn và người năng suất chỉ cách nhau một ranh giới mỏng manh. Nếu không để ý, bạn sẽ tự biến mình thành một cái máy làm việc như điên, mà đôi khi chẳng mang lại được kết quả gì!

13 sự khác nhau khái quát giữa người bận rộn và người thực sự năng suất được thể hiện xuất sắc trong bộ tranh dưới đây, mà chắc chắn khi nhìn vào ai cũng sẽ thấy mình trong đó.

Vậy bạn là người bận rộn hay người năng suất?

Người bận rộn luôn làm như thể vây quanh họ là hàng tá công việc và cái nào cũng thực sự quan trọng. Còn người năng suất chẳng việc gì phải quan trọng hóa mọi thứ lên như vậy cả, bởi họ đã có kế hoạch dài hạn suốt đời rồi.
Người bận rộn lúc nào cũng phân vân không biết nên làm gì trước làm gì sau vì họ ưu tiên quá nhiều thứ. Còn người năng suất chỉ đặt ra một ưu tiên duy nhất mà thôi. Sau khi giải quyết xong nó, họ mới nghĩ đến thứ khác.
Người bận rộn cho rằng họ quá bận rộn vì thế phải làm mọi thứ thật nhanh chóng, kể cả nghĩ. Còn người năng suất thì ngược lại.
Người bận rộn chỉ chăm chăm làm sao làm nhanh nhất, nhưng người năng suất lại chú ý đến từng bước được hoàn hảo nhất.
Người bận rộn không bao giờ hết bận vì cứ mãi nhận hết việc này đến việc kia. Còn người năng suất thì biết đâu là đủ.
Người bận rộn liên tục ca thán rằng họ bận tối tăm mặt mũi. Nhưng người năng suất thì chỉ cần kết quả nói lên họ đã vất vả như thế nào.
Người bận rộn lúc nào cũng kêu không có thời gian là vì họ không biết sắp xếp thời gian hợp lý. Người năng suất chẳng bao giờ như vậy.
Người bận rộn lúc nào cũng luôn tay luôn chân, từ việc nọ nhảy sang việc kia. Người năng suất chỉ cần một công việc duy nhất.
Người bận rộn vội vàng trả lời tất cả tin nhắn, email được nhận mà chẳng hề dành thời gian suy nghĩ.
Im lặng là vàng.
Cách tốt nhất để chứng minh rằng mình làm việc hiệu quả là để kết quả lên tiếng.
Người bận rộn hỏi han như một cách khoe về các dự định công việc sắp tới. Còn người năng suất chỉ cần im lặng tự tìm hiểu, hoặc nói với những người đáng tin cậy mà thôi.
Theo Ngọc Vũ - Design: Bi / Trí Thức Trẻ
Nguồn kenh14.vn