Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

ĐẠO ĐỨC PHIÊU LƯU KÝ


ĐẠO ĐỨC PHIÊU LƯU KÝ


Ngày nảy ngày nay, tại một vùng đất nọ có năm anh em là Tay, Chân, Mặt, Não và Đạo Đức. Tay, Chân, Não và Mặt là hữu hình nhưng Đạo Đức là vô hình nên tạo hóa tạo cho em đôi cánh để có thể bay khắp nơi học hỏi được nhiều điều.



Hồi lúc nhỏ, Đạo Đức bay sang vùng đất nọ, thấy bàn tay người mẹ dịu dàng quạt cho con, thấy người cha cày cuốc, người bà vá áo, ông thì tỉa cây và các cô cậu học trò đang chơi bắn bi và banh đũa. Đạo Đức đem những thứ mình học được về kể cho chị Tay làm theo. Họ sống rất hạnh phúc vì học được điều ý nghĩa cho cuộc sống.

Một thời gian sau Chân bảo Đạo Đức:

- Lâu quá rồi em không ra ngoài, thôi thì mai ra xem có gì hay về kể cho anh chị để anh chị có thể làm việc đi. Ở không chán quá!

- Dạ, vậy mai em đi một chuyến.

Hôm sau Đạo Đức lên đường, không ngờ chuyến này lại học nhiều hơn trước. Đạo Đức thấy chị Ánh Viên dùng đôi chân y như Kình Ngư giành nhiều giải thưởng Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015. Thấy Giáo sư Ngô Bảo Châu dùng bộ não của mình để dành giải Fields. Thấy nghệ sĩ Thanh Nga có giọng hát tuyệt đẹp cùng với gương mặt của “nữ hoàng sân khấu” vẫn còn vang câu ca tuy rằng người đã mất từ lâu.

Đạo Đức vui mừng kể lại hết những gì học được cho anh chị. Anh chị vui vẻ học tập và mong được một ngày tô đẹp cho đất nước mình. Anh Chân cố đi học bơi, chị Não thì cố gắng học tập từng điều nhỏ và cả sự kiên trì trong suốt quá trình. Còn chị Mặt muốn luyện giọng hát, muốn đi làm đẹp để trở thành NSƯT Mặt.

- Mặt ơi, em làm gì vậy?

- Em đang dưỡng da, anh Chân ơi!

- Sáng giờ nó hết đắp cái này tới cái kia lên mặt, làm tui mệt mỏi với nó muốn chết - Chị Tay nói.

Chân tiếp lời,

- Mặt ơi là mặt, em xấu bẩm sinh rồi, làm cái gì đi nữa cũng có đẹp lên được nhiêu đâu?

Bé Mặt trả lời,

- Em biết em xấu chứ, nhưng em dưỡng da để kiếm thêm tự tin. Vì tự tin chiếm 50% của thành công. Dù ngày mai em đi thi có rớt đi chăng nữa em cũng vui. Công chúa Ori cũng có nói: “dù kết quả có ra sao đi nữa, miễn sao mình cố gắng hết là được”.

- Chúng tôi đề cao sự tự tin của bạn – Chân nói.

- Chúc bạn may mắn lần sau! – Tay tiếp lời.

Đạo đức ngồi im lặng từ đầu câu chuyện đến giờ, nhưng khi thấy Mặt buồn vì sự đùa giỡn của hai anh chị cả nên đã lên tiếng,

- Chị Mặt khoan buồn, chẳng lẽ sự cố gắng rèn luyện của mình mà vì một câu nói làm từ bỏ tất cả hay sao? Không chứ, tự tin lên nào rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Và một ngày cũng khá lâu, khi các anh chị đã đạt được nhiều thành tích cho mình. Bây giờ Đạo Đức muốn đi một chuyến để cải thiện bản thân, muốn làm gì đó như anh chị.

Đạo Đức đi đến nơi, nơi ấy thấy có rất nhiều bạn Đạo Đức khác nhau. Nhưng nhìn họ rất đau khổ, nhiều bạn được nằm trên cùng một cái bàn và con người dùng một cái dao xẻ người bạn của Út Đức ra làm hai lấy bé Tâm và bé Tim trong người bạn. Sau đó đưa vào đó một thứ gì đó thấy có vẻ cứng làm bạn của Út phải khóc. Hỏi những người bạn đó Út mới biết đây là cửa hàng “Đạo Đức giả”, người ta lấy Tâm, Tim ra bán cho người khác. Sau đó nhét Tâm và Tim bằng nhựa vào và cuối cùng đưa trở lại cơ thể con người. Con người lập tức thay đổi tính nết, thích ăn chơi ngày đêm, hút chích, cờ bạc, rượu chè, trộm cướp... Đạo Đức còn nhìn thấy những đứa đánh mẹ và thậm chỉ là những người học cao hiểu rộng mà, tiền lương cao ngất ngưỡng mà chẳng bao giờ biết dành thời cho ba mẹ, chẳng bao giờ biết ba mẹ cần cái gì, vậy mà ra đường cứ như là có hiếu lắm.

Một lát sau Đạo Đức ra về vì nghe theo lời khuyên của bạn nên đã tìm đường thoát thân, sợ bị bắt làm “đồ giả”. Đạo Đức về nhà buồn rầu kể lại cho các anh chị nghe,

- Em thật là vô dụng, ra ngoài tìm cách phát triển bản thân mà chẳng học được gì mà còn sắp mất mạng.

Các anh chị thấu hiểu tâm trạng của Út nên đã khuyên,

- Thôi chuyện cũng đã qua rồi, cứ xem như là một bài học. Bốn anh em là hữu hình nên thể hiện bằng hành động: Tay, Chân làm, Não nhận thức và gương mặt thể hiện cảm xúc, Đạo Đức là vô hình chứa đựng trái tim biết yêu thương và tâm hồn thanh cao. Đạo Đức chỉ cần chuyền đến Não, Não nhận thức bảo ba anh em còn lại thể hiện thì con người sẽ toàn diện.

Các bạn hãy nhớ, mọi hành động của chúng ta phải xuất phát từ cái tâm. Muốn giải quyết việc gì cũng vậy, chỉ cần đặt họ vào tim ta thì sẽ có kết quả thôi.

“ Mọi thành công xuất phát từ cái tâm”

Thảo Quyên.
https://goo.gl/kx6NBS

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

BẠN CÓ NHƯ MỘT CON HỔ XỔNG CHUỒNG KHÔNG?


BẠN CÓ NHƯ MỘT CON HỔ XỔNG CHUỒNG KHÔNG?


“Giống như gió lốc xé nát cây và hủy hoại gương mặt của thiên nhiên trong cơn thịnh nộ, hay giống như động đất lật đổ cả thành phố khi rung chuyển; cơn thịnh nộ của một người sẽ gây ra sự tàn phá quanh anh ta”- Akhenaton- một vị Pharaoh Ai Cập triều đại thứ 18. Bạn có biết, tôi đã viết câu nói của vị thần này ở trang đầu tiên của bất kỳ quyển vở, hay quyển sách. Vì sao nhỉ? Vì tôi muốn nhắc nhở chính mình, phải kìm chế sự thịnh nộ, sự giận dữ của chính bản thân.



Thời niên thiếu, chúng ta là những con người sung sức, có đầy đủ sức khỏe, đầy đủ thời gian để học hành và làm những gì mình muốn, nhưng thời niên thiếu cũng là lúc con người còn non trẻ, chưa thể kiềm chế cảm xúc tốt nhất, nói đúng hơn ai cũng tự tin và ngạo mạn với cái tôi của mình, do đó sự giận dữ có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Ba tôi thường nói với tôi là: “con phải là một cô gái dịu dàng và từ tốn, mọi sự trên đời không chỉ đơn thuần nhìn bằng mắt, nghe bằng tai mà phải còn sự cảm nhận của trái tim nữa. Nhớ lấy điều đó, để giúp con nhận mọi thứ đa chiều, không dễ dàng nuông chìu cái tôi của mình, càng không được bộc phát sự giận dữ không kiểm soát”. Dạy con gái mình như thế, ba của tôi là một người đàn ông điềm đạm và từ tốn, đặc biệt sự giận dữ dường như không thể chế ngự được ông, phong thái của ông vẫn cứ an nhiên, tự tại. Tôi hâm mộ ông ấy, và vì thế tôi càng phải ghi nhớ những gì ông đã dạy.

Tại sao chúng ta lại phải kiềm chế sự giận dữ? Nó không chỉ đơn thuần là thể hiện cốt cách thanh cao của chúng ta, mà nó còn bộc lộ nhân cách con người. Khi giận dữ, lý trí sẽ không còn tỉnh táo, chúng ta dễ dàng làm tổn thương những ai bên cạnh mình, dù là vô tình hay hữu ý thì trái tim họ cũng sẽ có một vết thương, dẫu thời gian có làm lành đi vết thương đó, bạn có dám chắc nó nguyên vẹn như ban đầu. Hãy thử hình dung xem, khi ta lấy đinh cắm vào tấm gỗ, sau đó rút đinh ra, thì một vết sâu đã in hằn lên đó. Con người cũng vậy, mọi thứ không thể xoa dịu được, hãy hạn chế làm tổn thương người khác bằng cách kiểm soát sự giận dữ của mình. Trong công việc, bạn giận dữ với đồng nghiệp, với nhân viên thì vị trí của bạn sẽ cao hơn ư? Có thể họ sợ uy quyền của bạn nhưng họ không hề phục bạn, dần dần bạn chỉ như một con hổ xổng chuồng, người ta ghê tởm và chỉ muốn tránh xa bạn.

Tại sao khi giận dữ chúng ta thường hét to trong khi mọi người vẫn đứng gần ta, đó là bởi vì khi ấy trái tim của chúng ta đã bị đẩy ra xa, não bộ chúng ta không còn nằm trong sự kiểm soát nữa. Cho mỗi phút giận dữ, bạn mất đi sáu mươi giây hạnh phúc. Nếu một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến cho bạn giận dữ, không phải điều này đã nói lên gì đó về tầm vóc của bạn sao? Hãy nhớ rằng Cơn tức giận bắt đầu với sự dại dột, và kết thúc bằng sự hối hận. Sylvia Boorstein từng nói “Nếu có ai đó cầm gậy làm bạn đau thì sao? Khoan đã. Hãy nghĩ cẩn thận nào. Bạn có lẽ sẽ thấy giận dữ. Đó là chuyện bình thường. Nhưng không phải cái gậy đập vào bạn khiến bạn đau sao? Bạn có thể nổi giận với cái gậy không? Dĩ nhiên là không. Bạn có nên nổi giận với người cầm gậy không? Chẳng phải sẽ hợp lý hơn nếu tức giận sự căm hận trong tâm trí của người cầm gậy? Nếu nghĩ như thế, chẳng phải điều bạn mong muốn nhất chính là chấm dứt hận thù trên thế giới? Vậy thì, sao bạn lại trút thêm cho nó năng lượng bằng cơn giận của mình? Dù sao thì rồi nó cũng sẽ phai nhạt hết nếu bị bỏ mặc, đặc biệt nếu bạn đáp lại nó với lòng thương cảm.”

Hãy luôn bình tĩnh và cân nhắc trước mọi vấn đề, khi lòng thanh tịnh làm gì ắt cũng thành công. Hãy để những cơn giận dữ như luồng gió thoảng, lướt qua nhẹ nhàng mà không động lại làm ta lạnh buốt. Chỉ cần trái tim tràn ngập bao dung, nhân ái thì không một thế lực nào làm ta dấy lên sự giận dữ.

Giận dữ là kẻ thù của bất bạo lực và sự kiêu hãnh là con quái vật nuốt chửng nó. Đừng bao giờ để mình chìm trong thịnh nộ; bởi nó giống như mài thanh kiếm để tự đâm vào ngực mình, hay giết bạn mình. Rèn luyện tính nhẫn nại để mỗi ngày trôi qua tốt đẹp hơn.

“Nhẫn một chút, sống yên gió lặng
Lùi một bước, biển rộng trời cao”.


Hà An.

https://goo.gl/wCFcYc

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

TRIỆU PHÚ TÌNH THƯƠNG


TRIỆU PHÚ TÌNH THƯƠNG


Cuộc sống quanh ta có biết bao người nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Thế nhưng, các triệu phú tình thương xuất hiện như những thiên sứ, họ là những người giàu tình cảm giữa con người với con người.



Trong xã hội hiện nay, tuy còn có nhiều người khó khăn nhưng cũng không thiếu những tấm lòng vị tha, đôn hậu dành cho trẻ không nhà, già không nơi nương tựa. Tấm lòng cao cả chính là động cơ thúc đẩy công việc từ thiện rất chân thành và nhiệt tình, tuy không lương nhưng luôn tròn đầy trách nhiệm.

Cô nhi viện – mái nhà tình thương


Tại Việt Nam cô nhi viện còn được gọi là mái ấm tình thương, là nhà mái nhà, gia đình của những trẻ mồ côi. Được thành lập nhằm mục đích thu nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục những trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Cô nhi viện có mặt tại Việt Nam vào năm 1860 do các soeurs xây dựng và đảm trách.

Đối với các triệu phú tình thương, họ không nghĩ mình đang làm điều gì quá lớn lao. Khi đảm nhận công việc làm từ thiện, họ chỉ nghĩ mình cần cố gắng làm tốt nhiệm vụ, rồi dần dần thấy công việc này thú vị và mang lại ý nghĩa sâu sắc và dần trở thành niềm đam mê. Công việc làm từ thiện tại cô nhi viện khiến họ cảm nhận được những điều tốt đẹp đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Mái ấm cô nhi viện là một gia đình và họ luôn nỗ lực đem đến những điều tốt nhất có thể cho các em.

Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của các triệu phú tình thương


Bản thân các triệu phú tình thương, có thể họ cũng đang phải chật vật với cái ăn cái mặc hàng ngày, nhưng với tấm lòng sâu sắc, yêu thương đồng loại, họ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều người, họ được tạo duyên bằng cách chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Bằng bao tấm lòng nhân hậu vị tha rất nhiều các nhóm từ thiện được thành lập quyên góp tiền, tặng cơm cho bệnh nhân nghèo, người neo đơn. Có khi là người góp vài kg thịt lợn, vài kg gạo, rau sạch thế là đã có một bữa cơm cho người nghèo.

Đối với các triệu phú tình thương, họ đặt tình yêu thương đồng bào, yêu trẻ nhỏ, yêu những con người cơ nhỡ, làm điều thiện là giúp đỡ người khác xuất phát từ tình thương yêu giữa con người với con người. Bên cạnh ủng hộ tiền bạc, vật chất thì họ có cả một tấm lòng vàng, chân thật.

https://goo.gl/JGj26r

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY THEO ĐUỔI ĐEM MÊ, THÀNH CÔNG SẼ THEO ĐUỔI BẠN


HÃY THEO ĐUỔI ĐEM MÊ, THÀNH CÔNG SẼ THEO ĐUỔI BẠN


Đó là cái câu mà chỉ đọc vài lần tôi đã thuộc và bây giờ đã thấy chán. Đôi khi xem nó làm một câu mơ hồ và vớ vẩn, là một thứ không bao giờ tồn tại. Ước mơ cũng chỉ là ước mơ, nhưng không hiểu sao đây là câu nói của đại đa số người thành công thốt ra.



Và cuộc trao đổi của tôi với người thành công, họ hỏi

- Bạn có muốn thành công không?

- Đương nhiên là có rồi? Nhưng làm cách nào đây?

- Theo đuổi đam mê thành công sẽ theo bạn

- Theo bằng cách nào chứ?

- Cứ hành động một lần rồi sẽ biết kết quả. Nhớ là cố gắng kiên trì, chứ đừng thấy vấp ngã là từ bỏ. Lúc nào trong đầu cũng nghĩ rằng: “cái mình thích không làm được thì những cái khác đương nhiên là hoàn toàn không được, chỉ có đam mê mới làm con người chìm đắm vào thâu đêm không mệt mỏi”

Tôi bắt đầu về nhà, theo đuổi đam mê của mình. Tôi kiên trì, say sưa với mạch điện. Cố gắng sáng tạo và có đôi chút thành công, tôi may mắn có cái đam mê kiếm ra tiền. Và thật bất ngờ khi tôi gặp và trò chuyện cùng bác họa sĩ và cô bán hàng rong. Họ tâm sự: " Ngày trước bác làm việc vì tiền nhưng đến một lúc nào đó bác thấy chán nản, nên đành học vẽ để tô chút màu cho cuộc sống. Công việc kia bác vẫn làm và bác vẫn vẽ vì một cái kiếm ra tiền còn một cái tiếp thêm năng lượng, dù công việc mệt nhọc hay chán nản cách mấy ta vẫn cố vì nghĩ đến hình ảnh được về nhà cầm bút là thấy vui. Con hiểu chứ?"

Kế bên bác họa sĩ là cô bán hàng rong, cô ấy tiếp lời bác: "Bác này già già mà được cái nói hay đó cháu. Thời của tụi cháu còn có thời gian, công sức mà đi tìm đam mê. Thời của cô với bác đây chỉ biết “mình thích là mình làm thôi”. Chả biết đam mê là cái gì. Cũng như cô, cả cuộc đời từ bé đã chăm em, lớn lên tí thì đi lấy chồng, sinh con, làm lụng đủ mọi việc. Bây giờ tụi nó lớn hết có công việc ổn định, nó bảo cô nghĩ mà cô có chịu đâu?"

Tôi nghe thế, thắc mắc hỏi cô:

- Sao vậy cô?

- Ở nhà buồn lắm cháu, cứ đi ra đi vào từ sáng đến tối. Đi bán tuy cực mà vui, được ngồi trò chuyện với ông già này, ngồi kể chuyện cho mấy cháu nghe. Vui nhất là lúc công an chạy tới bắt mấy người bán hàng rong, vậy mà cô cũng vác cái thân già lên chạy. Còn cái ông già này bày biện cũng chiếm diện tích đường mà không bắt, vậy mà còn cười cô.

- Cô vui tính quá.

- Bí quyết là làm được điều mình thích mỗi ngày đấy cháu – tôi yêu nghề bán hàng rong.

Bác họa sĩ lại nói tiếp: "Đam mê đồng nghĩa với từ yêu, thích, ước mơ, say mê, chìm đắm… Có người kiếm ra tiền được từ đam mê, nhưng cũng rất nhiều người không kiếm tiền được từ đam mê. Bởi vì họ yêu công việc từ thiện, thích chăm chút vườn cây, say mê với mấy con cún, và mong muốn có được sức khỏe để ra đây vẽ và bán như bác và cô."

Qua cuộc trò chuyện đó tôi rút ra bài học cho mình, đam mê là một thứ bạn làm mỗi ngày không biết mệt, một thứ giúp bạn có động lực tiếp tục sống vào ngày mai. Dù không tạo ra tiền, không được ai ủng hộ nhưng làm ta cười là được.

Cái đó mới là thành công của một niềm đam mê thực sự.

Kì Phong (Hình ảnh lấy từ Internet)

Thật ra nếu bạn làm đúng đam mê & phá bỏ tư duy trong chiếc hộp – nghĩa là biến đam mê của bản thân thành một thứ hàng hóa mà người khác khát khao, hãy hành động vì điều đó như hướng dẫn của công cụ Chọn Nghề, Hành Nghề ĐẦU TIÊN của Việt Nam – Bạn Là Triệu Phú: http://banlatrieuphu.com

https://goo.gl/K77sfn

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

TẬP NÓI KHÔNG VỚI CON


TẬP NÓI KHÔNG VỚI CON


Câu chuyện giáo dục kỳ này xin được giới thiệu hai câu chuyện của hai người mẹ, với nỗi băn khoăn chất chứa trong lòng: làm sao để từ chối hay bớt đi chuyện bảo bọc, chăm lo cho con.



Biết là con học tập cực khổ nhưng vẫn không thể từ chối môi trường gây khổ ấy cho con mình, vì không biết tìm đâu ra nơi tốt hơn.

Chúng ta đang làm những bậc cha mẹ thật tội nghiệp. Vất vả chăm lo cho sức khỏe của con, lo tìm trường tốt, tìm thầy giỏi, lo tiền học phí, sách vở, quần áo...

Vậy mà chúng ta còn phải vui buồn theo từng điểm số, thon thót theo từng kỳ kiểm tra, từng kỳ thi của con. Lại còn phải ra mặt giúp con lo chuyện bị bạn bè bắt nạt, lo bị thầy cô đối xử 
không công bằng...

Để con tự lớn, nói dễ nhưng làm không dễ chút nào. Lần đầu tiên nhận được điện thoại của con: “Mẹ ơi, con quên mang vở bài tập, nếu không có vở này con mất cột điểm bài tập về nhà. Cả tháng nay con đã cố gắng để giành hạng nhất, mẹ mang lên trường giúp con nhé!”, mình rất giận trong lòng.

Đã bao nhiêu lần mình nhắc nhở con kiểm tra vở trước khi đi học... Giận, nhưng lại tiếc cái công cố gắng cả tháng nay của con, nghĩ tới khuôn mặt thất vọng của con nếu mẹ từ chối thật 
không sao chịu nổi.

Ước gì mình có thể dễ dàng nói câu từ chối con hay là một câu mắng mỏ. Ai chẳng có lúc sơ suất, huống gì con mình lại chăm chỉ học hành...

Từ chối con rồi lại đâm lo, không biết con có thấy mình đã cố gắng hết sức, chỉ nhờ cha mẹ giúp một chút mà cũng không được, rồi lại nản lòng, chẳng muốn cố gắng. Thấy mình hồi hộp, lo lắng như đang đi học, hay đúng hơn là con đang 
đi học giùm mình.

Đó là một chuyện rất nhỏ trong muôn vàn câu chuyện: bị bạn tẩy chay, bị thầy cô ác cảm, chê trách trước đám đông, thầy cô thiên vị... Con còn ở độ tuổi chưa hiểu rõ ngọn ngành, thấy chuyện nào cũng là chuyện động trời đối với mình, rồi lo lắng, chán nản.

Cha mẹ thì biết rõ rồi chuyện gì cũng qua, những chuyện vớ vẩn như vậy xảy ra như cơm bữa. Ngày mình còn nhỏ, cha mẹ làm gì lo lắng những chuyện đó cho mình, rồi mình cũng tự vượt qua, tự lớn lên. Nhưng đến thời mình làm cha mẹ, lại bị cuốn vào, và mang cả trời vất vả vào thân.

Có một câu trong quyển sách dạy con: “Cha mẹ phải bình tĩnh, kiên nhẫn thì mới dạy con bình tĩnh và kiên nhẫn được”. Rồi con cái cũng sẽ như chúng ta, tất tả vì những chuyện của con, lúc nào cũng thấy mình nhọc nhằn vất vả.

Đã tới lúc chúng ta - những bậc cha mẹ chộn rộn - phải học. Học cách không làm gì, học cách bình tĩnh chờ con mình lớn lên.

Được không?

Tôi có cho con được môi trường giáo dục tốt nhất?

Con trai đầu của tôi đang học lớp 2. Cũng như bao phụ huynh khác, tôi muốn con có một môi trường giáo dục hiện đại, không nhiều áp lực, nhưng mang tính ứng dụng cao.

Tôi mong muốn con vui vẻ khi đến trường, muốn con được tham gia những giờ ngoại khóa nhiều hơn là học làm toán, nắn nót từng câu văn. Tôi luôn chờ đợi mỗi buổi con đi học về, để nghe con kể chuyện lớp, chuyện trường, vui vẻ và không bị căng thẳng.

Nhưng rồi tôi nhận ra ngày hôm nay con học còn chịu áp lực hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Qua bao nhiêu cuộc cải cách, thay đổi nhưng giáo dục vẫn hướng tới điểm số, danh hiệu, vẫn là những đánh giá chất lượng mang tính chủ quan (dẫu không chấm điểm).

Và tôi biết con sẽ phải đánh vật với những buổi học thêm (dù là tự nguyện) cùng chúng bạn.

Con tôi học bán trú, rồi tham gia học một số lớp năng khiếu như nhạc, họa, võ thuật... nên con không có ngày cuối tuần. Tôi xót xa khi con đang phải bước vào guồng quay của chuyện học, chuyện thi khốc liệt hơn 
cả khi tôi vào cấp III.

Có nhiều kỳ thi chờ đợi con, có nhiều khóa học nâng cao, cấp tốc mà con tham gia với nhiều hình thức khác nhau, cho ra lò những giải thưởng để sau này xét tuyển vào cấp II như lời giải thích của cô giáo chủ nhiệm.

Vì vậy, càng nhiều cuộc thi ra đời thì con càng phải nai lưng ra để tham gia, để đấu chọi. Ngẫm nghĩ, tôi thấy thương con trai vô cùng. Con còn quá bé để hiểu giá trị của giải thưởng đến đâu.

Và trong cuộc đua kia, để không bị tụt lại phía sau, con buộc phải chiến đấu hết công suất.

Thi thoảng chồng tôi vẫn nói đùa: “Con là công dân nhỏ của thế kỷ học hành tốn sức nhất”. Quả không sai. Có thể nói, hành trình học tập để đi đến tương lai của thế hệ chúng tôi so với con bây giờ 
là còn khá nhẹ nhàng.

Nhìn con ngày ngày đánh vật với chuyện học, tôi cứ nghĩ rồi mai đây tôi chẳng thể nghĩ con sẽ là gì? Con sẽ có một bảng thành tích đẹp, với nhiều danh hiệu? Đâu là lối ra cho tương lai của con?

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư đúng đắn, thế nên vợ chồng tôi mỗi ngày đi làm, còng lưng ra làm thêm để trang trải cuộc sống, để con có được một môi trường giáo dục tốt về vật chất, nhưng tôi nhận ra thế là chưa đủ.

Bởi ở môi trường đó, mỗi ngày con bước chân vào, tuy hiện đại đấy, cao cấp đấy nhưng vẫn chứa đầy những khiếm khuyết về kỹ năng.

Nhưng biết cho con vào đâu để chuyện học nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực hơn? Tôi muốn từ chối những vất vả đó để con mình được học nhẹ nhàng hơn, nhưng tôi đâu thể cho con được môi trường giáo dục tốt nhất?

https://goo.gl/sWuRxz

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

THIỆT THÒI VÌ... QUÁ BẢO BỌC!


THIỆT THÒI VÌ... QUÁ BẢO BỌC!


Không phải là trách ba mẹ mình, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện hồi nhỏ được ba mẹ bảo bọc quá mức, bạn tôi hay kết luận: tưởng sướng nhưng hóa ra bị... thiệt thòi nhiều thứ.



Kể những thiệt thòi mà bạn “ngộ” ra sau khi va chạm với cuộc sống bên ngoài, nhất là đến lúc phải tự lập, ba mẹ không thể tiếp tục bảo bọc, bạn nói: “Tôi thua bạn bè cùng trang lứa rất nhiều”.

Đó là những kỹ năng mềm, kể cả những việc làm tay chân phục vụ cho sinh hoạt của bản thân như giặt giũ, nấu nướng... cũng đều “trắng tay”, nên khi phải sống một mình bạn phải học lại từ đầu đầy khó khăn.

Vì ba mẹ quá bảo bọc nên ngay cả ý kiến cá nhân trong nhiều vấn đề bạn không thể tự đưa ra, gặp sự cố nào cũng không thể tự giải quyết mà cứ hỏi hoặc gọi về xin ý kiến. Suốt ngày sử dụng “quyền trợ giúp từ người thân” nên đã không mạnh mẽ, bạn càng trở nên yếu đuối.

Hồi năm hai đại học, trong khi mọi người tự bươn chải để học, làm thêm, tích lũy các kỹ năng thì bạn vẫn được “lãnh lương” từ gia đình, mọi việc đều được báo cáo từ xa. Do vậy dù ở xa ba mẹ nhưng bạn vẫn bị... kiểm soát một cách tự nguyện vì cơ bản đó đã là thói quen.

Sang tới năm ba đại học, lúc đó bạn được nhiều bạn bè trong ký túc xá rủ tham gia các nhóm hội ở trường, khoa... nên cũng đã thay đổi ít nhiều nhưng vẫn thụ động. Dần dà càng tham gia nhiều công tác, bạn mới dần “lột xác”, thấy việc dấn thân, tự lập tạo nên bản sắc riêng, khiến mình mạnh mẽ hơn nên đã mạnh dạn lao vào cuộc sống để trải nghiệm, rèn luyện bản thân.

Đến giờ sau gần 10 năm tự lập, sắp có một mái nhà nhỏ từ chính nỗ lực của mình, bạn tôi rút ra: không nên lệ thuộc vào ba mẹ quá nhiều.

“Chúng ta cần lắng nghe ý kiến người thân, nhất là ba mẹ, nhưng không có nghĩa là tuân thủ mọi bảo bọc, cuộn mình lại trong lớp kén gia đình để hóa thành chú nhộng lười biếng tư duy, kém cỏi trong công việc, cuộc sống”, bạn bày tỏ như đã rút ra kinh nghiệm xương máu của bản thân.

Hỏi về việc những bậc phụ huynh có nên bảo bọc con quá không, bạn cho biết đã thẳng thắn nói với ba mẹ rằng vì thương con nên ba mẹ mới làm vậy, nhưng như vậy là... làm hại con, khiến con ỷ lại, chai ỳ suy nghĩ, ngại hành động, thành một “chú gà công nghiệp”, ngó thì mơn mởn nhưng không cứng cáp, thiếu quyết đoán.

Câu chuyện của bạn tôi vừa kể và trăn trở của những phụ huynh về việc bảo bọc con rất đáng để suy ngẫm.

Thực ra, một con người muốn mạnh mẽ phải trải qua những rèn luyện gian khổ, phải có cơ hội dấn thân làm những việc có sự va chạm để từ đó trưởng thành hơn. Như cái cây để hoang dại lúc nào cũng nhiều sức sống hơn là bị nhốt trong phòng, những con cá ngoài tự nhiên luôn sống khỏe hơn cá nuôi trong hồ kiểng...

https://goo.gl/4NXAvr

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP BẮT ĐẦU TỪ CÁI TÂM


VĂN HÓA DOANH NGHIỆP BẮT ĐẦU TỪ CÁI TÂM


Cách đây nhiều năm, tôi từ nước ngoài trở về Trà Vinh để xây dựng nhà máy, chỉ có một tâm niệm: tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và giúp đỡ quê hương mình phát triển tốt hơn



Thế nhưng bắt tay xây dựng một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao tại một tỉnh nghèo không khó bằng xây dựng một nề nếp sống mới, văn minh cho những người lao động vốn phần lớn xuất thân là nông dân chân chất, mà tôi gọi đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Kết quả là trong môi trường hơn 600 nhân viên nhưng để đồ ở đâu cũng không bị mất, các nhân viên luôn tôn trọng nhau, bình đẳng, ra ngoài xã hội cũng đối xử với những người xung quanh như vậy.

Học cách đối xử đầy tôn trọng và trách nhiệm trong sinh hoạt hằng ngày là nền tảng để các nhân viên hình thành nhân cách của mình. Tôi muốn xây dựng một cộng đồng sống trong đó mọi người có ý thức kỷ luật, tự do sáng tạo và có thu nhập cao.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho phát triển bền vững, tạo nên những doanh nghiệp có kỷ luật, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, có trách nhiệm với môi trường là đương nhiên, nhưng đằng sau đó phải xây dựng được con người có nhân cách cho xã hội.

Tôi được may mắn đi nhiều nơi, làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp và hiểu rằng văn hóa doanh nghiệp có trước khi hình thành một doanh nghiệp, bởi văn hóa của một doanh nghiệp xuất phát từ cái tâm tốt của người khởi nghiệp.

Ở VN muốn xây dựng một công ty thành công, bền vững thì phải xây dựng được văn hóa, văn minh doanh nghiệp bao gồm sự minh bạch, có đạo đức và đầy trách nhiệm.

Ngày trước, khi tôi làm ở Công ty IBM (Hoa Kỳ) có một văn hóa rất hay. Hằng tuần, mỗi nhân viên đều được mời gia đình, bà con, cha mẹ vào văn phòng công ty để cùng ăn uống, sinh hoạt vui chơi và tham quan nơi làm việc của mình.

Thói quen này nhằm giúp mỗi người trong gia đình hiểu được công việc của người thân, nhờ đó chia sẻ nhiều hơn, an tâm hơn.

Ngoài ra, những buổi sinh hoạt chung như vậy cũng là cơ hội để các gia đình giao lưu, hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, thấu hiểu và cảm thông những va chạm trong công việc. Rất nhiều người sau đó ra đi, nhưng hình ảnh IBM gợi cho họ một thương hiệu thân thiện, tốt đẹp, ấm cúng.

Văn hóa doanh nghiệp đã làm nên hình ảnh thương hiệu sản phẩm. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bằng sự quan tâm vào việc phát triển của từng nhân viên: giúp họ có cuộc sống tốt hơn và cơ hội học tập, thăng tiến cao hơn cũng chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Tất nhiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng cần sự tương tác từ cách ứng xử với cơ quan công quyền.

Doanh nghiệp có minh bạch, có liêm chính, có đóng góp được nhiều hay không tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa ứng xử của các cơ quan công quyền khi cần làm các thủ tục hành chính.

Từ thực tế câu chuyện của mình, tôi nghĩ rằng đội ngũ công chức cần có cái nhìn dài hạn, trách nhiệm với doanh nghiệp, môi trường kinh doanh thông thoáng mới nuôi dưỡng được doanh nghiệp tốt.

Thương hiệu doanh nghiệp không thể rời khỏi quốc gia, cũng như văn hóa doanh nghiệp không thể tách khỏi môi trường kinh doanh. Người làm chính quyền cần linh hoạt, năng động hỗ trợ doanh nghiệp, bớt thể hiện quyền hạn thì doanh nghiệp mới an tâm làm ăn, kinh doanh minh bạch.

https://goo.gl/Z6kjt3