Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

HÃY BẮT LẤY ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG


HÃY BẮT LẤY ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG


Bạn có biết là động lực nào thúc đẩy mình viết bài này không?

Vì mình cũng đang rất cần động lực đấy. Sự thật là, mình thường rơi vào tình trạng cực kỳ ẩm ê chán chê, mất hứng thú với mọi thứ và không có động lực…học bài thi. Khi đã mất động lực thì thôi rồi, sẽ dùng mọi “thủ đoạn” để tránh cầm vở lên mà học, bất chấp luôn cả việc điểm có thấp hay có rớt môn không.

Chắc hẳn các bạn cũng đã vài lần trong đời rơi vào trường hợp mất động lực cuộc sống. Bạn ngồi nhà với trạng thái ủ dột, mệt mỏi và thốt lên “Tại sao tôi lười vậy?”

Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn các phương pháp giúp lấy lại động lực, hay để thổi bùng cảm hứng trong bạn. Bây giờ, hãy cũng bắt đầu nào!

Cảm xúc và động lực


Cuộc sống của bạn gắn liền với cảm xúc. Khi bạn làm việc, bạn học tập, cảm xúc sẽ thúc đẩy bạn. Đó chính là sức mạnh không thể chối cãi của cảm xúc. Vì vậy, để có động lực, hãy khởi đầu bằng việc tạo cảm xúc cho bạn, để bạn cảm thấy mình thật sự phải hành động.



Tích cực lên đi!


Khi bạn có tâm trạng tốt, tất nhiên bạn làm việc với tinh thần thoải mái nhất và kết quả bạn đạt được sẽ tốt hơn.

Sống tích cực là điều bạn có thể quản lý được và có thể luyện tập dần. Dẫu cho bạn có bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan bên ngoài thì cảm xúc vẫn là của chính bạn. Quản lý căng thẳng của bản thân và xây dựng một thái độ tự tin thử xem. Nó sẽ đem đến cho bạn cảm giác “quyền lực” để đánh bại khó chịu trong bạn đó.

Mình đã từng gặp một người chị trong buổi phỏng vấn. Nhìn chị ấy, chắc bạn sẽ có cảm giác là: “Tại sao chị lại luôn rất vui vẻ?”. Hãy để người khác đặt ra câu hỏi tương tự với bạn. Thay vì nghĩ về màu đen của cuộc sống, thì nhìn vào phía “màu hường” một chút, hay màu xám để cho nó bớt “đen” lại. Ví dụ, hôm nay bạn đã lỡ làm sai một câu trong bài thi mà bạn đoán chừng cả lớp chỉ có bạn làm sai, hãy tự an ủi mình một câu: “Dù sao cũng đã qua và dù sao thì mình cũng đã làm tốt những câu còn lại.”

Thay vì buồn vì mưa, hãy vui vì trời sẽ nắng sau cơn mưa - Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Và hãy lấy câu của Victor Frankl gối đầu giường của bạn: “Vấn đề của bạn không phải là vấn đề. Thái độ của bạn với vấn đề mới là vấn đề”.

Lựa chọn




Ellen Langer đã từng nói trong cuốn sách “Mindfulness”: “Nếu bạn nhận thức được lựa chọn, bạn nhận thức được động lực”. Hành động của chúng ta đều có mục đích và hướng đến kết quả. Bạn có hai lựa chọn: tìm kiếm thành công hoặc lẩn tránh thất bại. Rất nhiều người trong chúng ta là kẻ đi lẩn tránh thất bại, thức dậy theo tiếng chuông đồng hồ báo thức chứ không phải đồng hồ cơ hội. Khi bạn chỉ làm để tránh kết quả xấu, tất nhiên động lực của bạn sẽ chẳng có bao nhiêu.

Quan sát và học hỏi


Từ khi còn rất bé, bạn học hỏi bằng cách bắt chước. Bạn bắt chước dáng đi của mẹ hay chống cằm giả bộ suy tư như ba. Lớn một chút nữa, bạn biết bắt chước có chọn lọc, tiếp thu những cái tốt như đọc sách với bạn cùng lớp, bắt chước làm bài tập thêm ở nhà.

Việc bạn quan sát sự thành công của người khác cũng thôi thúc động lực trong bạn. Nó sẽ giúp bạn cải thiện niềm tin và truyền cho bạn sức mạnh khẳng định “Tôi cũng sẽ làm được”.

Vì vậy, thay vì ngồi đó chán chường, hãy lướt web và tìm vài tấm gương thành công có nền tảng và xuất phát điểm như bạn để có chút nét tương đồng và lấy họ làm động lực phấn đấu nào.

Khen thưởng


Mình lại đưa cho bạn một ví dụ minh họa của mình nhé.

Khi mình mới chập chững bước chân vào câu lạc bộ và trải qua thời gian thử việc, mình nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ những người đi trước. Mình bắt đầu dịch thuật, gửi bài và chờ nhận xét. Tất nhiên bài dịch lúc đó vẫn còn nhiều sai sót, đôi lúc nó còn thật … í ẹ nữa. Tuy vậy, trong bài góp ý của người hướng dẫn, không phải lúc nào cũng chỉ có chỉnh sửa mà còn có đôi lời khen tặng nữa. Chỉ một việc đơn giản thế thôi, mình đã cảm thấy công sức mình bỏ ra được công nhận. Bạn cũng vậy, khi được công nhận, bạn cảm thấy mình có năng lực. Nó truyền cho bạn sự tự tin và động lực mà theo nhà tâm lý hành vi B.F.Skinner, đó là sự củng cố tích cực, thêm vào yếu tố nào đấy để bạn gia tăng hành động.

Chúng ta rất cần những cái “like” từ người khác để thúc đẩy bản thân cố gắng hơn nữa - Nguồn: Ảnh sưu tập trên internet


Tìm người nào đó để “lảm nhảm”


Con người sống không thể thiếu vắng người khác. Bạn có nguồn lực hỗ trợ rất lớn ở đằng sau. Đó là bạn bè, là gia đình ở bên bạn. Nếu động lực đã tắt ngấm, hãy tìm đứa bạn thân để “lảm nhảm” xem sao, gọi vài cú điện thoại cho mẹ, gửi vài tin nhắn buồn bã đến ba (nếu bạn đang ở xa) hay thậm chí là vùi vào lòng mẹ biếng nhác.

Nếu muốn thú vị hơn thì nhờ bạn bè giúp quản lý bản thân khi bạn đang mất kiểm soát như thế. Ví dụ nhé, bây giờ hãy thử tạo áp lực cho bạn. Lôi đứa bạn của bạn vào một quán café nào đấy và nhờ bạn ấy giám sát công việc bạn cần làm, chẳng hạn như viết 1 bài viết trong 3 tiếng và nếu sau 3 tiếng bạn không hoàn thành thì bạn phải cống nạp miễn phí 30 ngàn cho bạn ấy. Bạn nghĩ mình có “co giò” lên mà làm không?

Còn nếu lười học bài, hãy rủ nhiều người học chung thay vì ngồi học một mình. Theo các nhà tâm lý xã hội, con người có xu hướng “thích ứng” khi họ trong một nhóm. Họ sẽ đi theo mục tiêu mà nhóm đề ra, làm những việc mà những người khác trong nhóm cũng làm, cho nên chắc là bạn không muốn thành kẻ lạc loài nếu ai cũng siêng năng đâu nhỉ.

Những cách thức tạo động lực trên có hiệu quả đến mức nào còn phụ thuộc vào nỗ lực của chính bản thân bạn. Vì vậy hãy rời khỏi máy tính và chiếc điện thoại của mình ngay lập tức và tự tạo cảm hứng làm việc cho chính mình đi! Chúc bạn thành công và suôn sẻ nhé!

Nguồn tham khảo:

How to get motivated, according to science. Link truy cập: http://theweek.com/articles/445446/how-motivated-according-science
Video Ted talks: The psychology of motivation. Diễn giả: Scott Geller.


Link bài viết đây nha mọi người: http://banlatrieuphu.com/bai-viet/hay-bat-lay-dong-luc-cuoc-song-3610

1 nhận xét:

  1. Vì vậy hãy rời khỏi máy tính và chiếc điện thoại của mình ngay lập tức và tự tạo cảm hứng làm việc cho chính mình đi! Hay nè...

    Trả lờiXóa