Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

CHIẾC XE ĐẠP CŨ BỊ KHÓA


CHIẾC XE ĐẠP CŨ BỊ KHÓA


Thực trạng ngành khoa học công nghệ nước nhà hiện nay chẳng khác gì một chiếc xe đạp cũ. Đã cũ mà còn bị khóa không chạy được.



Những trăn trở của những người đứng đầu ngành khoa học, của các chuyên gia là làm sao có tiền cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu hoạt động gần như là những trăn trở kéo dài.

Việt Nam luôn có những lợi thế ngay cả những khi nền kinh tế thế giới và khu vực lâm vào tình cảnh khốn khó, tôi gọi đó là những điểm sáng. Đó là sự ổn định về hệ thống chính trị và gần đây là tinh thần khởi nghiệp.

Tinh thần này được thể hiện thông qua số doanh nghiệp đầu tư, thành lập mới không ngừng tăng lên để tìm kiếm cho mình những cơ hội phát triển mới.

Nói không ngoa, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào có dự án tốt, có sản phẩm tốt, có môi trường làm ăn tốt thì doanh nghiệp đó đều có thể kiếm tiền được trên đất nước này.

Tuy nhiên, các điểm sáng này vẫn chưa thể bật sáng thật sự và sở dĩ Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh mẽ được, dù có rất nhiều yếu tố thuận lợi, từ thị trường, sức mua cho đến cả độ tuổi vàng, chỉ vì một từ “tri thức”.

Đó là gì? Không ít doanh nghiệp không thể xây dựng được chiến lược phát triển cho mình.

Chính vì không có chiến lược phát triển thị trường, không xây dựng được kế hoạch cụ thể nên mới bế tắc, từ đó sinh ra sự lãng phí rất lớn và chỉ số lãng phí từ các doanh nghiệp trong nước hiện cao hơn gấp 20 lần so với doanh nghiệp nước ngoài.

Quy trình sản xuất vẫn ở mức rất thấp, dù rất nhiều doanh nghiệp đạt được chứng nhận ISO các kiểu.

Chiến lược nhân sự luôn ở mức vừa thừa vừa thiếu: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng lại thừa nguồn nhân lực chất lượng thấp.

Hệ thống quản trị, áp dụng tin học hóa và xây dựng chiến lược phát triển công nghệ còn yếu kém, đặc biệt là công tác R&D của các doanh nghiệp trong nước gần như là con số O, càng khiến “tử huyệt” của doanh nghiệp Việt trong việc phát triển, đổi mới sản phẩm thua rất xa các nước trong khu vực.

Bước vào kỷ nguyên mới, chưa bao giờ kim chỉ nam mà cụ Phan Châu Trinh chỉ ra lại trở nên đúng đắn và cần thiết như vậy khi nói về tri thức.

Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt. Ông cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự cường tự lực, hội nhập vào thế giới văn minh để mưu cầu chủ quyền độc lập.

Muốn “tri” và “thức” hợp nhất trong trường hợp này con người cần được tôi luyện trên một học trình đặc biệt. Học trình mà cụ Phan đã nói chính là “Chấn hưng Dân”, tức khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh.

Tôi nghĩ rằng tư duy lấy dân trí làm trọng yếu của cụ Phan chính là một trong những kim chỉ nam mà doanh nghiệp Việt có thể noi theo trong kỷ nguyên mới này.

https://goo.gl/VDaUkD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét