Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

BĂN KHOĂN CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC


BĂN KHOĂN CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC


Phải học mất 4 – 5 năm, tốn rất nhiều tiền của mới có được tấm bằng đại học trong tay, thế nhưng không ít cử nhân phải giấu bằng đi để làm công nhân.



Nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang gặp nhiều khó khăn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình sản xuất, phát triển. Trong khi đó, hệ thống trường cao đẳng và trung cấp nghề lại đang trong tình trạng thưa dần người học, thậm chí là “chết lâm sàng”.

Cử nhân làm công nhân


Phải học mất 4 – 5 năm, tốn rất nhiều tiền của mới có được tấm bằng đại học trong tay, thế nhưng không ít cử nhân phải giấu bằng đi để làm công nhân. Ông Phạm Quốc Hiển, Tổng Giám đốc công ty Dona Pacific Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), cho biết trong quá trình sàng lọc nhân sự, công ty đã phát hiện không ít trường hợp công nhân có bằng đại học. Lý do công nhân không dám khai mình có bằng cử nhân vì không đủ tự tin với tấm bằng mà mình đã học.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh mỗi tháng có từ 1 – 2 phiên giao dịch việc làm. Bình quân mỗi phiên giao dịch, DN cần tuyển trên 1000 lao động, nhưng chỉ có 10% nhu cầu lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học không hề thấp, đặc biệt là những DN ngành cơ khí, chế tạo, điện công nghiệp, điện tử…

Đại diện một DN tham gia tuyển dụng cho biết, việc tuyển dụng tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh chủ yếu là tìm lao động phổ thông, trong khi đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong tay nhiều, nhưng khi phỏng vấn, thậm chí thử việc thường không đạt. Để có được những lao động làm được việc, gắn với nhu cầu thực tế, công ty không có nhiều lựa chọn ngoài việc tự đào tạo.

Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vẫn “nhắm” đến các trường đại học, trong khi đó trường cao đẳng, trung cấp nghề ngày càng vắng bóng thí sinh, có trường trong tình trạng chết lâm sàng, thậm chí phải tính đến chuyện sát nhập vào một trường khác. Không chỉ vậy, tỷ lệ bỏ học giữa chừng ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện rất cao. Theo Giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Lê Thị Mỹ Phượng, tỷ lệ bỏ học ở hệ cao đẳng là 20% và ở hệ trung cấp lên tới 30%.

Nắm lấy cơ hội


Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội và DN. Trong đó, nguyên nhân chính là do đơn vị đào tạo không nắm được nhu cầu sử dụng của DN, cơ sở vật chất thực hành dạy nghề, đội ngũ giáo viên chưa đủ chuẩn, giáo trình dạy nghề nhiều trường không theo kịp với công nghệ mà DN đang áp dụng. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ vẫn chưa được loại bỏ.

Đồng Nai đang tiếp tục là điểm đến của nhiều dự án đầu tư công nghệ cao, nhất là công nghiệp hỗ trợ của các DN Nhật Bản. Do đó, các trường nghề, nhất là người học cần chủ động nắm lấy cơ hội này. Giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật Bộ Kinh tế – Công thương Nhật Bản Goto Yuzo trong chuyến công tác tại Đồng Nai cho biết, các DN Nhật Bản sang Đồng Nai đều xem xét rất kĩ nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn nhân lực. Điều này có nghĩa là cơ hội cho lao động sở tại, đặc biệt là lao động trẻ có trình độ rất lớn. Để có được cơ hội làm việc trong môi trường công nghệ cao, không có cách nào khác là người lao động phải có một trình độ tương xứng.

Với cách làm thành công trong đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu DN, Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) vừa được DN hỗ trợ cả về chương trình đào tạo, thiết bị thực hành, đồng thời “bao” luôn cả đầu ra cho sinh viên. TS. Lê Văn Hiền, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Lilama 2, chia sẻ trường nghề không chỉ tồn tại mà còn phải phát triển được để phục vụ sự phát triển của xã hội. Muốn vậy, đội ngũ quản lý phải thực sự năng động. Cần phải chấm dứt tình trạng học nghề “chay” do không có, hoặc thiếu máy móc thực hành. Thậm chí máy móc thực hành đã thiếu lại còn “đắp chiếu”, không dám cho học sinh sử dụng vì sợ hư hỏng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét