Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

GIÁO DỤC KỸ NĂNG QUẢN LÝ TIỀN BẠC CHO CON EM

GIÁO DỤC KỸ NĂNG QUẢN LÝ TIỀN BẠC CHO CON EM


Thế giới đã trải qua suy thoái kinh tế với những căng thẳng và áp lực đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế đang dần dần hồi phục và ổn định. Ai trong chúng ta cũng cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc quản lý tiền bạc...

Nói tới đây chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến việc dạy cho con cái mình những kỹ năng đó đúng không? Có một chương trình giáo dục sẽ giúp ích cho bạn mang tên gọi Giáo dục tài chính

Vậy giáo dục tài chính là gì?


Giáo dục tài chính là chương trình dạy cho người học khái niệm về tiền và cách quản lý tiền một cách khôn khéo và hiệu quả. Không những thế nó tạo cơ hội để chúng ta tiếp cận những kỹ năng cơ bản liên quan đến việc kiếm tiền, tiêu tiền, lập ngân sách, tiết kiệm, vay tiền và tiếp cận các dịch vụ tài chính. Mục tiêu của Giáo dục tài chính là để giúp mọi người đưa ra các quyết định về tài chính tốt hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Giáo dục tài chính đang rất được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới.


Giáo dục tài chính có thật sự cần thiết?


Kỹ năng quản lý chi tiêu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Trẻ em, và nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng cần biết những kiến thức và kỹ năng quan trọng này để hiểu được giá trị của tiền bạc. Những kiến thức mà các em học được sẽ hỗ trợ cho các em rất nhiều trong quá trình sau này, khi các em đã thật sự trưởng thành và có một cuộc sống tự chủ về tài chính. Lúc đó, việc chi tiêu cá nhân sẽ không chứa đựng quá nhiều rủi ro, và các em có thể yên tâm mà tự học hỏi thêm để trưởng thành hơn.

Thực tế hiện nay có rất nhiều thanh thiếu niên không có kiến thức hay kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc. Trong số đó, đa phần là do cha mẹ quá bận rộn, không đủ thời gian để chăm sóc, quan tâm con cái. Họ chỉ cho tiền tiêu xài mà không có sự giám sát hoặc hướng dẫn. Thêm vào đó, con cái họ cũng chỉ dùng tiền mỗi khi cần hoặc có nhu cầu mà không quan tâm đến là tiền từ đâu mà có. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ đó là cách họ yêu thương, chăm lo cho con cái, nhưng họ đâu biết được rằng việc đó ẩn chứ rất nhiều rủi ro. Hậu quả lớn nhất có thể xảy ra đó là các em sẽ chi tiêu lãng phí vào những hoạt động không lành mạnh như: nghiện chơi game online, đua đòi với bạn, bị rủ rê sử dụng ma túy,…

Những suy nghĩ sai lầm của bậc cha mẹ


Cho con xài tiền thoải mái để bù đắp là một việc làm rất tai hại vì rất nhiều lí do. Tuổi thanh thiếu niên là khoảng thời gian mà các em thường hay tò mò và rất dễ tiếp thu những điều mới lạ. Do đó, cha mẹ phải tận dụng thời điểm này để dạy cho trẻ những giá trị và kỹ năng hữu ích mà chúng sẽ áp dụng được cho cuộc sống sau này.

Khi trẻ có nhiều tiền lại thiếu sự kiểm soát và hướng dẫn của người lớn, trẻ sẽ có thể chi tiêu lãng phí hay xài tiền vào những hoạt động có hại. Trẻ không biết vì sao mà chúng có được tiền. Từ đó, sự quý trọng của trẻ dành cho giá trị của đồng tiền và công sức của cha mẹ cũng sẽ giảm dần đi, thậm chí là mất hẳn. Các em sẽ bắt đầu hình thành cho mình suy nghĩ: “Mình có tiền là điều hiển nhiên. Ngày nào ba mẹ cũng sẽ cho tiền mình”. Và thế là tiền bạc đến với trẻ như một sự hưởng thụ không một chút lo lắng.

Hãy tập cho trẻ tính tiết kiệm ngay từ nhỏ.


Đa phần các bậc phụ huynh cho rằng việc giáo dục con em mình biết quý trọng giá trị đồng tiền, biết chi tiêu đúng cách và đặc biệt là biết công sức của họ khi làm ra tiền… là điều rất cần thiết. Nhưng khi được hỏi cụ thể rằng họ sẽ làm bằng cách nào để dạy con mình thì hầu hết các câu trả lời đều là không biết. Cha mẹ đã thật sự quan tâm một cách đúng mực đến vấn đề tế nhị nhưng cũng rất quan trọng đối với quá trình phát triển nhân cách của con trẻ sau này hay chưa?

Lí giải cho việc này có thể nói đó là quý phụ huynh vẫn chưa biết cách trò chuyện với con mình về vấn đề quản lý tiền bạc. Phụ huynh cái gì cũng muốn biết một cách cụ thể, tường tận. Thế nhưng tâm lý các em thường rất ngại khi xin tiền mà còn bị “thẩm vấn” đại loại như: “Con muốn mua gì?”, “Tại sao lại phải mua cái đó?”. Một số phụ huynh còn hạch hỏi đủ điều, thậm chí còn lục lọi trong bóp tiền của con mình, như thế chẳng khác nào gieo rắt những suy nghĩ tiêu cực vào trong tâm lý con trẻ.

Quan tâm thế nào mới là đúng cách?


Muốn các con học tập cách tiết kiệm thì cách tốt nhất là cho trẻ hình thành thói quen này ngay từ khi còn nhỏ và cùng làm điều đó với con. Nếu bản thân cha mẹ chi tiêu lãng phí thì việc dạy con tiết kiệm là rất khó. Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái. Đừng đòi hỏi con bạn biết tiết kiệm hay chi tiêu có kế hoạch khi chính bản thân người lớn chúng ta chưa làm được điều này. Cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền của cha mẹ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm tiền ngay từ khi còn bé. Bởi lẽ, chính cha mẹ là những hình mẫu gần gũi và có ảnh hưởng lớn nhất đối với con trẻ.

Dạy con những bài học cụ thể về quản lý tài chính


Hãy dạy con biết cách tiêu tiền ngay từ những việc làm cụ thể và thiết thực nhất. Các phụ huynh có thể ghi chép lại các khoản chi tiêu trong gia đình, đồng thời hướng dẫn con cái cách lập kế hoạch ngân sách bằng cách nói chuyện với con về giá trị của tiền bạc. Sau đó mỗi tuần, cha mẹ cũng nên dành thời gian để trò chuyện với con về bản ngân sách, tiết kiệm và kế hoạch chi tiêu theo tuần của trẻ. Đồng thời, khi hiểu biết về vấn đề giáo dục tài chính, các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ tích cực và giúp con mình thực hiện hiệu quả việc quản lý tiền bạc cá nhân của các em. Phụ huynh sẽ dễ dàng trò chuyện với con em về những vấn đề liên quan đến tiền bạc – một vấn đề mà các bậc cha mẹ rất khó trao đổi với con cái của mình

Việc cha mẹ có nên để con cái tự quản lý chi tiêu cá nhân hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình và đặc điểm của trẻ. Tuy nhiên, hãy để các em tự quản lý một khoản tiền nhỏ để học kĩ năng quản lý dưới sự hướng dẫn và giám sát của cha mẹ. Chính các em sẽ tự học và rút ra điều gì nên làm hay không nên làm. Các nhà tâm lý luôn chỉ ra rằng trẻ em sẽ học và làm theo cách ứng xử của cha mẹ và sẽ áp dụng những điều đó cho cuộc sống sau này. Vì thế giai đoạn thanh thiếu niên chính là thời gian tốt nhất để giúp trẻ hình thành những kĩ năng và thói quen tốt

Các bậc phụ huynh nên đọc thêm sách báo về các chủ đề liên quan đến giáo dục con cái biết giá trị của tiền bạc. Những câu chuyện về các em thanh thiếu niên có những hành vi có hại – đôi khi phạm pháp, do thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ cũng có thể có ích vì mang tính răn đe, giáo dục cao

-----

Bài viết này nhằm chia sẻ một số thông tin bổ ích để các vị phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cách chi tiêu của con em mình. Từ đó, phụ huynh sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề nghe có vẻ tế nhị này và nói chuyện với con em mình một cách thoải mái hơn. Không có một mô hình hoặc phương thức giáo dục tài chính nào hoàn toàn phù hợp cho mọi người, vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Do đó, mong là các bậc cha mẹ sẽ áp dụng những điều trên một cách linh hoạt, tùy vào hoàn cảnh để có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Mong là quý phụ huynh sẽ tìm thấy được nhiều điều thú vị và bổ ích thông qua bài viết này.

Nhất Duy

Theo http://banlatrieuphu.com/bai-viet/giao-duc-ky-nang-quan-ly-tien-bac-cho-con-em-3836

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét