Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ ĐÀO TẠO CỦA KIRKPATRICK


MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ ĐÀO TẠO CỦA KIRKPATRICK


Hiệu quả là một trong những tiêu chuẩn chính để đánh giá đào tạo. Việc đánh giá thường được thực hiện sau khi chương trình đào tạo đã hoàn thành, bước công việc này vừa xác định được lượng kiến thức và kỹ năng các học viên tiếp thu được vừa để tổ chức đào tạo tìm được những mặt cần cải thiện và điều chỉnh. Mô hình đánh giá được sử dụng nhiều nhất hiện nay là mô hình đánh giá của Kirkpatrick.

Các yếu tố được đánh giá trong đào tạo


Mô hình đánh giá của Kirkpatrick


Donald Kirkpatrick là một giáo sư danh dự tại Đạt học Wisconsin, ông cũng là cựu chủ tịch của Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ (ASTD). Vào năm 1959, ông đã giới thiệu mô hình đánh giá đào tạo 4 cấp độ trên tạp chí Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ. Mô hình này của ông đã được cập nhật 2 lần vào năm 1975 và năm 1994 khi ông ra mắt tác phẩm nổi tiếng ‘đánh giá chương trình đào tạo’ của mình.

Mô hình đánh giá Kirkpatrick bao gồm 4 cấp độ:

- Cấp độ 1 – phản ứng: xác định độ hài lòng của học viên sau khi được đào tạo.

- Cập độ 2 – kết quả học tập: xác định những kiến thức, kỹ năng mà học viên học được sau khi đào tạo.

- Cấp độ 3 - ứng dụng: đánh giá sự thay đổi hành vi của học viên sau chương trình đào tạo, cách mà học viên áp dụng các kiến thức đó.

- Cấp độ 4 – kết quả: chương trình đào tạo có ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức, công ty, doanh nghiệp ...

Bốn cấp độ trong mô hình đánh giá đào tạo Kirkpatrick


1. Cấp độ 1 – Phản ứng

Đây là cấp độ được sử dụng nhiều nhất để đánh giá đào tạo vì nó dễ thực hiện nhất và dễ đánh giá nhất. Dựa vào phản hồi của các học viên, các nhà quản lý có thể tự đánh giá được chất lượng đào tạo, xác định được chương trình đào tạo của mình có cần thay đổi ở khía cạnh nào hay không.

Mỗi chương trình đào tạo tối thiểu phải thực hiện cấp độ đánh giá này.

2. Cấp độ 2 – Kết quả học tập

Cấp độ này đưa ra những đánh giá liên quan đến kết quả học tập của học viên: xác định lượng kiến thức, kỹ năng, tay nghề chuyên môn mà học viên tiếp thu sau khóa học. Cấp độ này có thể tiến hành trong suốt khóa học, trước khi đào tạo và sau khi đào tạo thông qua những câu hỏi thăm dò ý kiến, khảo sát, kiểm tra để so sánh và đối chiếu kết quả.

Cấp độ 2 khó thực hiện hơn, mất công sức và thời gian nhiều hơn so với cấp độ 1 nên không được thực hiện rộng rãi như cấp độ 1.

Đánh giá đào tạo từ lý thuyết đến thực tiễn


3. Cấp độ 3 - Ứng dụng

Đây là cấp độ đo lường những thay đổi về lâu dài, khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau khi được đào tạo của các học viên. Nó sẽ trả lời cho câu hỏi: liệu rằng những kỹ năng, kiến thức đó có giúp ích cho học viên hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Cấp độ này nên được đánh giá nhiều lần để xác định một cách toàn diện và đầy đủ những thay đổi của học viên sau khi được đào tạo.

Cấp độ này tương đối phức tạp và khó thực hiện vì nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.

4. Cấp độ 4 – Kết quả

Cấp độ này sẽ đánh giá đào tạo thông qua ảnh hưởng của nó đến kết quả kinh doanh, bao gồm những tiêu chí sau: hiệu quả sản xuất, giảm chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ... Cấp độ này đo lường ảnh hưởng của đào tạo đối với toàn bộ tổ chức.

Tuy rằng mô hình đánh giá đào tạo Kirkpatrick đã ra đời gần 60 năm nhưng nó vẫn là hệ thống đánh giá được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực đào tạo trong doanh nghiệp. Nó đánh giá hiệu quả đào tạo một cách khoa học nhưng bạn nên có sự linh hoạt khi áp dụng mô hình này vào doanh nghiệp của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét